SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Nâng chất chuỗi giá trị thực phẩm Việt

Làm thế nào để nâng tầm chất lượng chuỗi giá trị ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam là nội dung được nhiều chuyên gia, giới chuyên môn, đại diện các cơ quan, Bộ/ngành và doanh nghiệp tập trung trao đổi tại Hội nghị Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam, diễn ra ngày 16/11/2017 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh.

Hội nghị do Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE) – Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank) tổ chức. Đây là sự kiện diễn ra thường niên, bên lề Triển lãm Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo).

Đầu tư theo chuỗi giá trị: Mở cơ hội thị trường

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành luôn khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp thực phẩm đầu tư, phát triển theo chuỗi giá trị nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường”.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị

Ông Alexandre Bouchot, Tham tán nông nghiệp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho rằng, khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU có hiệu lực, các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam sẽ có thêm cơ hội thuận lợi tiếp cận thị trường EU rộng lớn. Tuy nhiên, muốn tham gia sâu vào thị trường này, việc phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị là rất quan trọng, giúp doanh nghiệp bảo đảm truy xuất nguồn gốc, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng về an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị sản phẩm.

Việc đầu tư chuyên sâu cho từng khâu trong chuỗi giá trị hiện nay đang được nhiều doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam để ý. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nội và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thực hiện liên kết với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Satra, Vinmart, PAN Group…, các chuỗi siêu thị lớn của nước ngoài hiện diện tại Việt Nam như CJ, AEON… đầu tư xây dựng các chuỗi liên kết chế biến đa dạng các sản phẩm thực phẩm có giá trị gia tăng cao.

Biện pháp “nâng chất” chuỗi giá trị

Theo các chuyên gia tại Hội nghị, không chỉ ngành chế biến thực phẩm mà ngay cả ngành nông nghiệp Việt Nam cũng phải thay đổi chiến lược phát triển từ việc tập trung sản xuất sản lượng lớn và xuất thô phải chuyển qua sản xuất theo nhu cầu thị trường và nâng cao chất lượng ở tất cả các khâu trong chuỗi giá trị.

Các chuyên gia tham gia tọa đàm tại Hội nghị

“Nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam, mà ngay cả tại các nước phát triển ở châu Âu cũng phải thường cải tiến thường xuyên. Trong đó, các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất thực phẩm phải chú trọng đến việc nâng cao giá trị lợi nhuận cho nông dân, giúp họ ý thức được trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ở các khâu trung gian từ vận chuyển, bảo quản, sơ chế, chế biến đều phải áp dụng quy trình quản lý chất lượng, đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng”, ông Alexandre Bouchot nêu ý kiến.

Bà Lê Ngọc Bảo Trâm, Quản lý cao cấp, Nhóm đo lường bán lẻ của Nielsen thì cho rằng, để thành công, các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam cần nhanh nhạy nắm bắt những xu hướng tiêu dùng mới, đó là nhu cầu ngày càng tăng đối với những sản phẩm mới có chất lượng và uy tín, có lợi cho sức khỏe, nhằm tạo sự khác biệt cho sản phẩm và ứng dụng thương mại điện tử để tác động tới người tiêu dùng một cách hiệu quả.

Chia sẻ về chiến lược và kinh nghiệm để phát triển bền vững trong lĩnh vực thực phẩm, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc R&D của Tập đoàn PAN cho biết, PAN luôn chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, đưa nhiều công nghệ và thiết bị hiện đại từ Châu Âu vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng.

Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu tới tham dự

Bên cạnh việc đầu tư để có sản phẩm tốt, theo các chuyên gia, các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam cần tập trung chuyên sâu hơn nữa cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết thời gian qua, trên cơ sở khảo sát các nhu cầu của doanh nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại đã thường xuyên cập nhật thông tin cho các doanh nghiệp; tư vấn cho doanh nghiệp thiết kế ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; đào tạo naang cao năng lực cho doanh nghiệp về khả năng đàm phán, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài… Đối với ngành hàng, Cục đang xây dựng chiến lược quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm mang tầm vóc thương hiệu quốc gia.