SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Thực phẩm Việt: Rất cần một thương hiệu chung

Với 12 hiệp định thương mại tự do, có tham gia TPP hay không thì Việt Nam vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế. Nông sản, thực phẩm Việt Nam vẫn phải vượt lên chính mình trong bối cảnh hội nhập ấy.

Thiếu thương hiệu – Thực phẩm Việt chưa xứng tầm vị thế

Vừa qua, bên lề Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2016 đã diễn ra Hội nghị Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam lần thứ 3 do Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) phối hợp với Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) tổ chức.

Tại Hội nghị các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm và xúc tiến thương mại của quốc tế và Việt Nam đã cùng trao đổi, phân tích về những lý do khách quan, chủ quan khiến công nghiệp thực phẩm Việt Nam chưa phát triển xứng tầm vị thế. Trong số nhiều tồn tại cố hữu của ngành thì một vấn đề nổi cộm là sự hạn chế về nhận thức, năng lực và cách sử dụng nguồn lực đầu tư cho phát triển thương hiệu. Điều này đã và đang tạo những rào cản không nhỏ cho việc quảng bá một cách hiệu quả nông sản, thực phẩm Việt Nam ngay chính trên thị trường sân nhà và sân khách.

Quang cảnh Hội nghị Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2016

Ông Leon Trujilo – chuyên gia thương hiệu của Tổ chức Hỗ trợ Nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) cho rằng: “Ở Châu Á, nếu coi Thái lan như “Nhà bếp của thế giới” (Kitchen of the World), thì  Việt Nam - nước cung cấp hàng đầu nhiều loại nông sản, thực phẩm cho thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm hơn 22 tỷ USD, có thể ví như “Giỏ thực phẩm của thế giới” (Food Basket of the World).  Nhưng rõ ràng là thế giới chưa nhận thức được điều này.  Vẫn có một khoảng cách lớn giữa những gì Việt Nam có khả năng và những gì thế giới biết về Việt Nam. Cần khỏa lấp khoảng cách đó và hướng đi chiến lược là xây dựng thương hiệu và truyền thông thương hiệu mạnh mẽ cho tổng thể toàn ngành thực phẩm Việt Nam.”

Hướng đi chiến lược

Ngành thực phẩm Việt Nam đang dựa chủ yếu vào phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thời gian qua, nhiều hiệp hội ngành hàng cùng các doanh nghiệp đã bắt tay vào xây dựng thương hiệu riêng cho ngành hàng của mình. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, cả về nhân sự và tài chính, nên các thương hiệu ngành hàng nếu có ra đời thì vẫn còi cọc, chưa đủ mạnh.  Nông sản thực phẩm “Made in Vietnam” vẫn chưa được khách hàng tại các thị trường  trên thế giới biết đến. Ở tầm quốc gia, những cố gắng đơn lẻ của từng mặt hàng sẽ không tạo nên sức mạnh chung và việc thiếu vắng một Chiến lược tổng thể về xây dựng và phát triển thương hiệu của ngành đang làm khách hàng và người tiêu dùng nước ngoài chưa nhận thức được đầy đủ và đánh giá đúng mức về chất lượng, giá trị hàng hóa và năng lực cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. 

Ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, xây dựng thương hiệu chung cho toàn ngành thực phẩm Việt Nam là một giải pháp hết sức quan trọng, mang tính thực tế khách quan và là sự lựa chọn hiệu quả nhất.  Thương hiệu chung sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp từ thế mạnh của các nhóm ngành hàng cụ thể. Thương hiệu chung cũng hỗ trợ cho những nhóm ngành hàng mà hiện nay chưa có điều kiện tự xây dựng thương hiệu riêng của chính mình. Ngoài ra, với vai trò thương hiệu chung của toàn ngành thì sức lan tỏa và độ nhận diện của các nhóm ngành hàng đó sẽ có hiệu quả cao hơn rất nhiều.

Việt Nam đã sẵn sàng cho một thương hiệu chung

Là một tổ chức gắn bó, hỗ trợ Việt Nam suốt 20 năm qua, khi nói về năng lực của ngành thực phẩm Việt Nam, Ông Koos Van Eyks, giám đốc Dự án Việt Nam cho biết, các chuyên gia của CBI cho rằng gần đây ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đang có những bước chuyển tích cực.  Chính phủ, doanh nghiệp và người sản xuất Việt Nam dành quan tâm nhiều hơn đến thực hành nông nghiệp tốt, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng thực phẩm...  Nhiều doanh nghiệp rất chịu khó nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm mới, áp dụng các chiến lược tiếp cận thị trường bài bản.  Thay vì chỉ cung cấp các nguyên liệu thô, nay nhiều doanh nghiệp đã từng bước đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất các mặt hàng có chất lượng cao, có hàm lượng giá trị gia tăng cao.  Tuy nhiên, người tiêu dùng nước ngoài gần như không biết đến việc đó. Còn đối với thương nhân nước ngoài thì Việt Nam thường chỉ được coi là địa chỉ hấp dẫn của nhóm thương nhân chuyên tìm nguồn cung giá rẻ chứ không phải tìm nguồn cung chất lượng tốt.  Thực tế là hình ảnh giá rẻ - chất lượng thấp gắn với Việt Nam trong một thời gian quá dài đã ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực xuất khẩu của Việt Nam.  Muốn thúc đẩy xuất khẩu, thì các bạn không những phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác sản xuất nông nghiệp mà còn phải cho thế giới biết tới những điều tốt đẹp về thực phẩm Việt Nam. Việt Nam phải từng bước xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm, để thu hút một nhóm khách hàng mới. Đây cũng là một thời điểm rất thích hợp bởi món ăn Việt Nam đang là một trào lưu mới, được ưa chuộng trên thế giới.

Chia sẻ với Hội nghị về kinh nghiệm của Italia – một quốc gia có ngành công nghiệp thực phẩm phát triển lâu đời với các sản phẩm đa dạng, nổi tiếng thế giới, bà Cecillia Piccioni – Đại sứ Italia tại Việt Nam cho biết, Italia đã và đang rất thành công với việc thực hiện Chương trình quốc gia quảng bá cho ngành thực phẩm Italia - “The Extraordinary Italian Taste” (tạm dịch là Tuyệt vời Hương vị Italia) cho toàn ngành thực phẩm của nước này.  Chính phủ Italia đã dành nguồn lực thúc đẩy mạnh mẽ Chương trình ở khắp nơi trên thế giới từ Châu Âu, Châu Mỹ tới Châu Á trong đó có Việt Nam.  Thông điệp mà người Italia đưa ra thế giới là với một niềm đam mê thực phẩm, người Italia sản xuất ra những thực phẩm chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng thế giới.  Thực phẩm Italia là sự kết tinh giữa tình yêu thực phẩm của nhà sản xuất - cam kết về sự an toàn, vệ sinh thực phẩm - công nghệ thực phẩm - sự đặc sắc về ẩm thực, văn hóa, phong cách sống và cả phong cách thiết kế Italia.

Italia có nhiều mặt hàng thực phẩm chất lượng cao, nhưng không lựa chọn quảng bá, xây dựng thương hiệu cho từng nhóm hàng, mà quảng bá chung cho cả ngành thực phẩm của quốc gia.  Sự lựa chọn này xuất phát từ thực tế cấu trúc của ngành thực phẩm Italia vốn bao gồm nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.  Sự lựa chọn này vừa giúp quốc gia có thể tập trung nguồn lực để làm nổi bật hình ảnh của một cường quốc về thực phẩm, vừa giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng lợi từ hình ảnh chung, dành thời gian, nhân lực, vật lực đầu tư vào nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo ra các sản phẩm mới.  Chương trình đã thực sự hiệu quả trong việc tạo ra ấn tượng sâu sắc, tốt đẹp của của thế giới đối với ngành công nghiệp thực phẩm Italia, bà Cecillia Piccioni nói.

Bà Cecillia Piccioni – Đại sứ Italia tại Việt Nam chia sẻ về Thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm Italia

Đối với trường hợp của Việt Nam, các chuyên gia tại Hội nghị đều cùng chung ý kiến cho rằng, để thúc đẩy ngành thực phẩm phát triển trong thời gian tới, Việt Nam phải tập trung nguồn lực để nắm bắt những cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay. Trong dài hạn, để phát triển bền vững, giữ lợi thế cạnh tranh, chỉ còn một cách duy nhất là xây dựng ngành thực phẩm quốc gia trên nền tảng chất lượng.  Về chiến lược thương hiệu, trước mắt cần tập trung cho một Chương trình xây dựng thương hiệu chung cho ngành thực phẩm quốc gia, thay vì dàn trải nguồn lực xây dựng thương hiệu cho từng lĩnh vực ngành hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, đối với những nhóm hàng đã có đủ lực để phát triển thương hiệu riêng thì việc gắn kết song song giữa thương hiệu riêng của mặt hàng đó với thương hiệu chung của toàn ngành thực phẩm Việt Nam sẽ là hướng đi tối ưu nhất.

Các chuyên gia trao đổi trong phần Tọa đàm tại Hội nghị

Được biết, ngày 20/10/2016 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký công văn số 8981/VPCP-KTTH  giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Ngành, cơ quan, hiệp hội ngành hàng có liên quan tập trung triển khai Chương trình xây dựng Chiến lược Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam. Mục đích của Chương trình nhằm xây dựng, quảng bá hiệu quả một hình ảnh chung của ngành thực phẩm Việt Nam, tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế về giá trị của thực phẩm Việt Nam, qua đó góp phần thúc  đẩy sự tăng trưởng của ngành thực phẩm, tăng cường công tác xúc tiến thương mại & đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới. Theo kế hoạch, tới giữa năm 2017, việc xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam sẽ được hoàn thành. Giai đoạn đầu tiên của việc triển khai thực hiện sẽ được tiến hành ngay từ cuối năm 2017 đến 2020 .

Chúng ta cần chung sức để nông sản, thực phẩm Việt Nam tiến xa hơn, mạnh hơn ra thế giới. Hy vọng, Chương trình xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam sẽ là một trong những giải pháp chuyên nghiệp và hiệu quả, góp phần tăng cường công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ  xuất khẩu cho ngành thực phẩm đầy tiềm năng của Việt Nam. 

Không thể chậm trễ hơn, chúng ta rất cần một Thương hiệu quốc gia chung cho ngành thực phẩm Việt Nam.