SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Mùa mía “đắng” ở Brazil ảnh hưởng tới người tiêu dùng đường trên toàn cầu

Đường đã lọt vào top những mặt hàng "nóng" trong thời gian gần đây khi giá liên tục phá kỷ lục nhiều năm do thời tiết khắc nghiệt ở Brazil ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung. Trong khi đó, triển vọng nguồn cung trên toàn cầu vốn không mấy khả quan.

Giá đường thô tại New York ngày 17/8 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2017, là 20.37 US cent/lb. Phiên 20/8, giá giảm nhẹ xuống 19,79 US cent, nhưng vẫn là mức cao kỷ lục trong vòng nhiều năm. Tính từ đầu năm đến nay, giá đường đã tăng khoảng 30%.

Giá đường trắng kỳ hạn trên sàn London tuần này cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 năm, là 508,50 USD vào phiên 17/8 (cao nhất kể từ tháng 3/2017). Phiên 20/8, giá giảm nhẹ về 494,5 USD/tấn, song cũng vẫn là mức cao nhất nhiều năm.

Mùa mía “đắng” ở Brazil ảnh hưởng tới người tiêu dùng đường trên toàn cầu - Ảnh 1.
Giá đường thế giới gần đây tăng mạnh

Hạn hán và băng giá ở Brazil đẩy giá đường tăng vọt

Giá đường tăng mạnh sau khi hạn hán nghiêm trọng và băng giá làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng của Brazil – quốc gia cung cấp khoảng 40% lượng đường toàn cầu. Hiệp hội đường quốc tế (ISO) dự báo thị trường đường toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 sẽ thiếu hụt 2,7 triệu tấn.

Theo công ty tư vấn Datagro, thời tiết tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ đã và đang diễn ra có nghĩa là vụ mía của nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới này sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp.

Dự kiến trong 2 tuần tới, thời tiết ở Brazil sẽ trong tình trạng cực kỳ khô nóng, làm trầm trọng thêm tổn thất đối với cây mía ở nước này sau khi phải hứng chịu thời tiết khô hạn nhất trong vòng 90 năm qua và sương giá trong thời gian gần đây. Hầu hết các cánh đồng mía ở vùng trung nam Brazil có lượng nước trong đất giảm về mức dưới 10%, so với mức cần thiết tối thiểu 60% để mía phát triển tốt.

Trong khi đó, xuất khẩu đường từ Ấn Độ đã chậm lại đáng kể do giá đường trên thị trường nội địa tăng cao tại quốc gia tiêu thụ đường hàng đầu thế giới này.

Giá đường trắng gần đây tăng mạnh còn có một lý do nữa, đó là "chi phí tinh luyện đường gia tăng, những người tiêu dùng vẫn chấp nhận giá đường tăng cao, bởi nhu cầu đường đang hồi sinh mạnh mẽ khi các nền kinh tế mở cửa trở lại", theo chiến lược gia về nông sản thuộc Commonwealth Bank of Australia, ông Tobin Gorey.

Abinash Verma, Tổng giám đốc Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA), hôm 10/8 cho rằng giá đường thế giới có thể sẽ còn tiếp tục tăng bởi ngành đường Brazil chưa thể sớm hồi phục và thị trường logistics toàn cầu lại rơi vào một đợt tắc nghẽn mới.

Hernando de la Roche, Phó chủ tịch cấp cao của StoneX Financial Inc., cho biết tình hình hiện tại tương tự năm 2014, khi hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng đường và giữ cho giá mặt hàng này ở mức cao trong suốt 2 năm. Ông cho biết, do băng giá đã phá hủy những cây hiện tại và cần phải trồng lại cây mới nên sản lượng năm 2023 vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, phải mất ít nhất 2 năm để có thể bắt đầu sản xuất trở lại như trước đây.

Mùa mía “đắng” ở Brazil ảnh hưởng tới người tiêu dùng đường trên toàn cầu - Ảnh 2.
Brazil mất mùa mía do thời tiết khắc nghiệt

Hiệp hội thương mại đường Brazil – Unica - cho biết sản lượng đường ở khu vực trung nam của Brazil đã giảm 11% trong nửa cuối tháng 7 xuống còn 3 triệu tấn, giảm mạnh hơn dự kiến. Unica cho biết sản lượng mía trên mỗi ha đã giảm 17,9% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, do băng giá khiến các nhà máy phải cắt mía trước thời điểm thu hoạch lý tưởng.

Theo Unica, sản lượng mía ở vùng trung nam Brazil trong niên vụ 2021-2022 này dự báo giảm xuống chỉ 490 triệu đến 500 triệu tấn, giảm 19% so với 605 triệu tấn của niên vụ trước.

Theo Czarnikow, sản lượng đường ở khu vực trung nam Brazil niên vụ 2021/22 dự kiến sẽ giảm xuống 32,5 triệu tấn, thấp hơn mức 34,1 triệu tấn dự báo cách đây 2 tháng.

Conab - cơ quan đánh giá nông sản của Chính phủ Brazil – hôm 19/8 cũng hạ dự báo về sản lượng đường và ethanol của khu vực trung nam nước này trong niên vụ 2021/22 do thiếu mưa và mùa Đông khắc nghiệt bất thường. Theo đó, sản lượng đường năm 2021/22 sẽ giảm 11,3% so với niên vụ trước, xuống 33,9 triệu tấn; lượng mía ép lấy đường có thể giảm 10,6% so với vụ trước, xuống còn 538,7 triệu tấn.

Cơ hội cho Ấn Độ

Việc Brazil mất mùa mía sẽ là cơ hội cho các nước khác gia tăng xuất khẩu đường trong niên vụ này, trong đó lợi thế nhất sẽ là Ấn Độ - nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới.

Ông Abinash Verma của ISMA nhận định Ấn Độ sẽ có thể xuất khẩu 6-7 triệu tấn đường trong năm nay. "Năm ngoái, chúng tôi đã xuất khẩu gần 6 triệu tấn, đây là một kỷ lục chưa từng có. Năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ đạt khoảng 6,8 đến 7 triệu tấn, đây một lần nữa là một kỷ lục mới trong lịch sử", ông Verma nói.

Trên thực tế, trong trường hợp nguồn cung của Brazil sụt giảm thì xuất khẩu từ Ấn Độ có thể giúp thúc đẩy nguồn cung ở châu Á.

Các nhà máy của Ấn Độ thường sản xuất đường trắng để tiêu thụ trong nước và sản xuất một lượng nhỏ đường thô để xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông B.B. Thombare, chủ tịch Hiệp hội các nhà máy đường Tây Ấn Độ thì: "Chúng tôi đang có kế hoạch bắt đầu mùa vụ với đường thô vì nó dễ xuất khẩu hơn đường trắng. Giá cũng hấp dẫn và nhiều khả năng vẫn ổn định".

Ấn Độ đang có kế hoạch dừng trợ cấp xuất khẩu đường trong niên vụ mới bắt đầu từ tháng 10 tới, bởi giá đường quốc tế đủ cao để hấp dẫn các nhà xuất khẩu nước này.

Theo ông Sudhanshu Pandey, một quan chức cấp cao ở Bộ Phân phối công cộng, Thực phẩm và các vấn đề người tiêu dùng Ấn Độ, cho hay: "Nhu cầu đường ở Ấn Độ sẽ tăng cao hơn, vì vậy, giá đường trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng tiếp. Việc trợ cấp xuất khẩu có thể không cần thiết nữa".

Trong 3 năm qua, Ấn Độ liên tục trợ cấp cho các nhà xuất khẩu đường bất chấp sự phản đối của nhiều nước sản xuất đường khác. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của Brazil, Úc và Guatemala, năm 2019, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thành lập ban hội thẩm để đưa ra phán quyết về việc Ấn Độ trợ cấp xuất khẩu đường. Ấn Độ khẳng định chính sách trợ cấp này không vi phạm các quy tắc của WTO.

Triển vọng giá đường

Các nhà đầu đường thô trên sàn giao dịch kỳ hạn New York đã nâng vị thế mua ròng, sau khi sản lượng đường Brazil bị sụt giảm bởi sương giá bất thường vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua, một động thái có thể đẩy giá đường lên mức cao 21 US cent/lb.

Theo báo cáo của công ty tư vấn đường châu Âu CovrigAnalytics, các nhà kinh doanh đường tiếp tục điều chỉnh giảm ước tính sản lượng đường của Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% xuất khẩu đường toàn cầu, bởi họ tin rằng hạn hán khắc nghiệt và sương giá sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Số liệu sản lượng đường trong nửa cuối tháng 7 và tháng 8/2021 từ Tập đoàn công nghiệp Unica của Brazil có thể sẽ khiến giá đường tăng cao hơn lên đến 20,5 – 21 US cent/lb.

CovrigAnalytics cho biết, trong trường hợp xấu nhất nếu sản lượng đường của Brazil giảm xuống mức 30,8 triệu tấn, thì cán cân đường toàn cầu sẽ thâm hụt tới 4,6 triệu tấn vào năm 2021/22.

Tuy nhiên, công ty này cho rằng, giá có thể được điều chỉnh giảm trong trung hạn, khi sản lượng đường mới từ Ấn Độ và Thái Lan tung ra thị trường vào năm 2022.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở khắp nơi trên thế giới cũng cản trở giá đường tăng tiếp. Ngoài ra, giá dầu thô giảm do đại dịch cũng kéo giá đường giảm theo, vì mía vừa dùng sản xuất đường, vừa để sản xuất ethanol – nhiên liệu sinh học.

Tham khảo: Bloomberg, Cnbctv18, indianexpress, Reuters