SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

'Xuất khẩu rau quả chế biến có thể lập kỷ lục 1,4 tỷ USD năm nay'

Nghị định thư về sầu riêng đông lạnh, dừa tươi sẽ giúp xuất khẩu rau quả chế biến lập kỷ lục mới 1,4 tỷ USD năm nay, theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

Nói với VnExpress, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự đoán năm nay sẽ là năm kỷ lục mới cho xuất khẩu rau quả chế biến với kim ngạch có thể đạt 1,4-1,5 tỷ USD. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của nhóm này chậm hơn so với rau quả tươi, chúng vẫn đóng góp đáng kể vào việc ổn định giá cả và nâng cao giá trị hàng hóa.

"Rau quả chế biến không chỉ giúp kéo dài thời gian bảo quản mà còn tăng giá trị hàng hóa gấp 3-4 lần so với sản phẩm tươi", ông nói.

Việt Nam ký nghị định thư hôm 19/8 chính thức xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc. Theo nhận định từ các doanh nghiệp, đây sẽ là cú hích quan trọng cho xuất khẩu rau quả Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm chế biến.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinamit, người có hơn 30 năm kinh nghiệm xuất khẩu trái cây sấy sang Trung Quốc, cho biết công ty đã lên kế hoạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường này ngay năm nay, tập trung vào kênh siêu thị hiện đại.

"Việc ký nghị định thư vào tháng 8 là điều kiện thuận lợi để Vinamit đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu trong quý IV. Sầu riêng đông lạnh được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào doanh thu sản phẩm chế biến của công ty", ông nói.

Tương tự, Công ty cổ phần Thực phẩm GC (GC Food) cũng đang tận dụng cơ hội này để mở rộng xuất khẩu các sản phẩm chế biến như thạch dừa và nha đam sang Trung Quốc.

Phó tổng giám đốc Khối Kinh doanh quốc tế của GC Food Nguyễn Diệp Pháp, cho biết đây là thị trường tiềm năng trong năm nay và nếu thuận lợi, hoạt động xuất khẩu sẽ có những bước tiến mới.

Theo số liệu từ hải quan, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam đạt khoảng 800 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc đang có nhu cầu cao đối với trái cây sấy, thạch dừa, nước ép và đồ hộp. Trong đó, các sản phẩm tự nhiên tốt cho sức khỏe như sản phẩm từ dừa đã dẫn đầu với kim ngạch đạt 130 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ kim ngạch xuất khẩu rau quả chế biến tăng, nửa đầu năm nay, giá các nông sản như dừa, xoài, chuối và mít luôn ổn định. Đặc biệt, khi sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có được chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc, loại trái cây này có khả năng tăng giá trị và vị thế hơn nữa.

Ngoài thị trường Trung Quốc, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng nhận định rằng rau quả chế biến đang có nhiều thuận lợi khi xuất khẩu sang các thị trường thuộc khối Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong. Các thị trường này có GDP cao và sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Do đó rau quả chế biến của Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển.

Tuy nhiên, theo ông, các biến động địa chính trị ở Trung Đông và suy thoái kinh tế ở các thị trường chính như Nhật, Hàn, và EU có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp. Đặc biệt, giá nguyên liệu cho sản phẩm chế biến đang tăng đáng kể. Để kiểm soát giá nông sản, ông Nguyên khuyến nghị các doanh nghiệp cần mở rộng vùng nguyên liệu, quản lý chất lượng từ cây giống đến sản xuất và chế biến, đảm bảo sản phẩm luôn đạt chất lượng cao.

Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần hỗ trợ địa phương trong việc quy hoạch khu chế biến và cung cấp chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ nguồn vốn và chuyển giao công nghệ để ngành chế biến phát triển bền vững, góp phần ổn định đầu ra cho nông dân.