SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Người khuyết tật điều khiển robot phục vụ tại quán cà phê

Vừa tạo việc làm cho người khuyết tật, vừa hạn chế được tiếp xúc mùa dịch, một ý tưởng kinh doanh cà phê phục vụ bằng robot đang gây chú ý.

Năm 2017, sau 7 năm làm nhân viên pha chế, Mikako Fujita cảm thấy việc buộc tóc cũng trở nên khó khăn. Không lâu sau, cô được chẩn đoán mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên, hay ALS, một bệnh thần kinh vận động không thể chữa khỏi. Nó phá hủy các tế bào thần kinh điều khiển các cơ trên khắp cơ thể.

Nhưng 4 năm sau, Fujita vẫn phục vụ cà phê cho khách hàng ở Dawn Avatar Robot Cafe, quận Nihonbashi, Tokyo. Điểm khác biệt duy nhất là giờ cô ấy làm việc tại nhà, cách đó 300 km ở tỉnh Aichi, miền Trung của Nhật Bản.

Để phục vụ đồ uống, Fujita sử dụng một robot hình người tên là Tele-Barista. Với hai cánh tay, nó có thể cầm lấy cốc và pha chế một ly cà phê kiểu Pháp giống như một nhân viên thực thụ. Fujita sẽ điều khiển nó bằng chuột máy tính. Khi bệnh tiến triển và khiến việc cử động các cơ tay trở nên khó khăn hơn, cô dự định chuyển sang điều khiển robot bằng chuyển động của mắt.

Fujita còn sử dụng một robot khác đứng trên vai của robot pha chế. Nó nhỏ nhắn và được trang bị camera để nói chuyện với khách hàng, hỏi họ thích loại hạt nào hoặc gợi ý loại chocolate đi kèm với tách cà phê Kenya của họ. Nó có tên OriHime, cao khoảng 20 cm.

Fujita hiện 50 tuổi, nhớ lại thời điểm cô đã khóc suốt đêm sau khi được thông báo mắc bệnh ALS. Nhưng từ khi làm việc thông qua OriHime kể từ năm 2018, cô cảm thấy mình có một niềm hy vọng mới.

"Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được việc pha cà phê từ xa. Cảm ơn sự ủng hộ của mọi người, nó mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui khi tôi pha cà phê cho ai đó và họ nói rằng nó rất ngon", Fujita nói.

Dù quán Dawn có nhân viên là robot, nó vẫn giữ được cảm giác của con người nhờ khoảng 60 nhân viên điều khiển robot như Fujita, hầu hết khuyết tật về thể chất. Các cuộc trò chuyện và tiếng cười giữa người điều khiển và khách hàng tràn ngập cửa hàng, trong khi robot bưng đồ uống OriHime-D nhộn nhịp qua lại giữa các bàn.

Quán Dawn được điều hành bởi Ory Lab. Quán khai trương vào tháng 6, sau khi tiến hành bốn thử nghiệm từ năm 2018. Cửa hàng nằm cùng tòa nhà với văn phòng của công ty. Vì vậy, các nhà phát triển có thể nhanh chóng thực hiện bất kỳ điều chỉnh nào trên robot nếu cần.

Nhà sáng lập Ory Lab Yoshifuji là một kỹ sư từng trải qua ba năm rưỡi phải ở nhà vì bệnh tật thời niên thiếu. Khi ấy, anh mơ ước có hai hoặc ba cơ thể riêng biệt. Ý tưởng này cuối cùng đã dẫn đến sự ra đời robot OriHime phiên bản đời đầu vào năm 2010. Anh thành lập Ory Lab hai năm sau đó.

Với robot OriHime-D, có thể mang theo các vật dụng và di chuyển một cách tự chủ, giúp cho việc mở một quán cà phê điều hành từ xa trở nên khả thi. Ory Lab đã huy động được hơn 44 triệu yên (400.000 USD) thông qua huy động vốn cộng đồng từ tháng 3 đến tháng 5 cho việc khai trương, vượt xa mục tiêu 10 triệu yên. Công ty cũng có khoảng 10 nhà tài trợ doanh nghiệp lớn.

Công việc từ xa trở nên phổ biến hơn do Covid-19, nhưng không dễ để những người bệnh nặng hoặc khuyết tật có thể làm việc văn phòng nếu họ thiếu kinh nghiệm. Đó là lý do tại sao Ory Lab hướng đến một nơi làm việc dựa nhiều hơn vào lao động thể chất và tương tác với khách hàng.

"Những người nằm liệt giường không thể làm việc. Nhưng tôi muốn chứng tỏ rằng cơ hội việc làm luôn rộng mở cho những người không thể cử động cơ thể hoặc thậm chí không nói được. Tôi muốn khách hàng biết rằng những người này tồn tại và họ là một phần của xã hội chúng ta", Yoshifuji nói.

Dawn đang thu hút sự chú ý của quốc tế. Tuần trước, Sophie Cluzel, Bộ trưởng Nhà nước về người khuyết tật của Pháp, đã ghé qua cửa hàng trong chuyến đi đến Tokyo để dự lễ khai mạc Paralympics hôm 24/8. "Thật là sáng tạo khi mọi người có thể duy trì nghề nghiệp của mình", bà nói và cho rằng đây là một cách tiếp cận nhân văn.

Miao Wen Xin, 26 tuổi, người Thượng Hải (Trung Quốc), đang học tiếng Nhật ở Tokyo, đã đến quán cà phê cuối tuần trước. "Ý tưởng robot phục vụ cà phê thật hay", anh nói đang có kế hoạch mở một quán cà phê ở Nhật Bản hoặc Trung Quốc. "Tôi thích cách người khuyết tật điều khiển toàn bộ quy trình, từ việc chọn hạt đến rót cà phê vào cốc và tôi thích loại chocolate mà họ gợi ý", anh nói thêm.

Miao Wen Xin chụp lại cảnh robot đang pha chế cà phê tại quán. Ảnh: Nikkei

Miao Wen Xin chụp lại cảnh robot đang pha chế cà phê tại quán. Ảnh: Nikkei

Ngoài việc điều hành quán cà phê, Ory Lab còn kiếm tiền bằng cách cho thuê robot và cử người điều khiển chúng cho các công ty khác. Yoshifuji cho biết hơn 30 nhân sự điều khiển đã làm việc tại các công ty bên ngoài.

Mos Burger nằm trong số đó. Minako Morino, Đại diện nhà điều hành cho biết chuỗi này có nhân viên khuyết tật tại các quán ăn và văn phòng, nhưng "ý tưởng về việc nhân viên làm việc từ xa cho một trong những nhà hàng của chúng tôi thật đáng ngạc nhiên".

Chuỗi này đã giới thiệu OriHime trên cơ sở thử nghiệm tại một cửa hàng ở Tokyo vào tháng 7/2020 như một cách để giải quyết tình trạng thiếu lao động và giảm tương tác trực tiếp khách hàng và nhân viên trong thời kỳ đại dịch.

Khách hàng có thể đặt hàng thông qua robot, nhận các đề xuất và hơn thế nữa. "Khách thậm chí có thể chỉ trò chuyện với người điều khiển mà không cần đặt hàng", Morino nói và cho biết có những người hâm mộ đã ghé thăm cửa hàng để trò chuyện với một người điều khiển.

Trong khi đó, Fujita cho biết cô có kế hoạch tiếp tục làm việc tại quán cà phê Dawn. "Một cô gái mà tôi phục vụ cà phê nói với tôi rằng, cô ấy muốn làm việc tại quán này. Tôi rất vui vì những gì mình làm đã dẫn đến ước mơ của ai đó. Ước mơ của riêng tôi là được làm việc với cô ấy trong những năm tới", cô nói.

Theo Nikkei