SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Rau quả của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập sâu hơn thị trường EU

EU là một thị trường lớn, đồng thời cũng là một trong các thị trường xuất khẩu (XK) nông sản lớn nhất của Việt Nam. Với Hiệp định EVFTA cũng đã mở ra một cơ hội lớn cho nông sản Việt chinh phục thị trường này. Tuy nhiên, để tăng thị phần và thâm nhập sâu vào thị trường đòi hỏi doanh nghiệp (DN) Việt phải gia tăng chế biến sâu, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), EU với 27 nước thành viên, dân số hơn 500 triệu người và có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn đối với hàng rau quả. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm gần 0,1% tổng lượng hàng rau quả nhập khẩu của EU trong 4 tháng đầu năm 2022, do đó vẫn còn nhiều cơ hội để các DN ngành hàng rau quả của Việt Nam đẩy mạnh sang thị trường EU trong thời gian tới.

Rau, củ, quả Việt Nam còn nhiều dư địa để xuất khẩu sang thị trường EU.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu hàng rau quả của EU trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Giá hàng rau quả nhập khẩu bình quân của EU cũng tăng. EU nhập khẩu hàng rau quả chủ yếu từ các thị trường nội khối như: Hà Lan, Tây Ban Nha... trong 4 tháng đầu năm 2022.

Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ các thị trường chính đang có xu hướng giảm và EU đang có xu hướng tăng nhập khẩu hàng rau quả từ các thị trường ngoài khối. Việt Nam hiện là thị trường cung cấp hàng rau quả lớn thứ 43 cho EU, trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 24 nghìn tấn, trị giá 62,5 triệu Eur (tương đương 63,2 triệu USD), tăng 7,6% về lượng và tăng 29,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá nhập khẩu bình quân từ Việt Nam ở mức cao, đạt 2.625,5 Eur/tấn, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021.

EU nhập khẩu nhiều nhất là chủng loại rau và một số loại củ, thân củ, rễ ăn được (mã HS 07); quả và quả hạch ăn được, vỏ quả thuộc họ cam quýt hoặc các loại dưa (HS 08) trong 4 tháng đầu năm 2022. Cả 2 chủng loại này EU nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nhập khẩu, trong đó mã HS 07 chiếm 0,02% và mã HS 08 chiếm 0,11%.

Trong khi đó, mã HS 08 có nhiều chủng loại quả mà Việt Nam đang có thế mạnh, như: Vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… Bên cạnh đó, với Hiệp định EVFTA, các chủng loại hàng rau quả của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU, cạnh tranh với các thị trường có thế mạnh về hàng rau quả nhưng chưa có FTA với EU như: Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...

Theo ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại EU, đối với hàng chế biến, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận thị trường EU bằng sản phẩm rau, củ, quả đông lạnh, đóng lon… để có thể tăng kim ngạch XK nông sản Việt Nam sang thị trường này, trong tất cả nhóm hàng, rau, củ, quả là nhóm hàng có dư địa lớn nhất.

Đại diện Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, phát triển ngành trái cây, rau quả theo hướng chế biến không chỉ giúp kiểm soát được giá thành mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 - 4 lần so với mặt hàng tươi.

Đặc biệt hoạt động này còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi chi phí đầu tư không nhỏ, trong khi đa phần DN chế biến rau quả quy mô vốn rất nhỏ (hơn 80% số cơ sở dưới 2 tỷ đồng), không được ưu tiên về mặt bằng sản xuất; Công tác bảo quản sau thu hoạch của người nông dân chưa chú trọng dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%...

Ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) cho rằng, chế biến sau thu hoạch là chìa khóa để tăng giá trị nông sản. Bởi, trái cây sau khi chế biến mới có thể nâng cao giá trị XK. Đơn cử như dừa khô, nông dân chỉ bán được 5.000 đồng/kg nhưng thạch dừa có giá 25.000 đồng/kg, đó là giá trị gia tăng từ công nghiệp chế biến.

Để thúc đẩy tiêu thụ rau quả, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit Nguyễn Lâm Viên cũng cho rằng, các địa phương cần xây dựng hệ thống thông tin minh bạch, xây dựng trung tâm đầu mối tiếp nhận, phân bổ thông tin tại các vùng trồng. Qua đó, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hình thành những vùng nguyên liệu quy mô lớn.

Để thúc đẩy xuất khẩu rau, củ, quả sang thị trường EU, ở góc độ nhà nhập khẩu, ông Hoàng Xuân Khang, đại diện Công ty International Fresh Group cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần giúp các DN, nhất là DN vừa và nhỏ có thể đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng cơ bản để XK sang thị trường EU. Sau đó mới đến chọn mặt hàng và chiến lược marketing phù hợp. Đối với các DN, cần phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bởi lẽ chỉ cần một vài lô không đạt tiêu chuẩn, có thể ảnh hưởng đến tất cả các DN XK còn lại.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho biết, cơ quan này sẽ tập trung hỗ trợ XK nông sản vào Bỉ và EU, đặc biệt là các sản phẩm đóng hộp. Hiện tại, một DN vừa và nhỏ của Bỉ cần cung ứng 3 sản phẩm đóng hộp như sau: Dứa Tidbits - chất lượng vượt trội. Số lượng sản phẩm này 66.000 hộp thiếc/năm; Dứa Tidbits - Chất lượng tiêu chuẩn. Nó giống hơn hoặc ít hơn ở trên nhưng cho phép có những mẩu nhỏ hơn và màu sắc cộng với hương vị có thể hơi khác một chút so với ở trên. Số lượng là 18.000 hộp thiếc một năm; Măng lát: Số lượng sản phẩm này 54.000 hộp thiếc/năm.

Bộ Công Thương cho rằng, XK rau quả của Việt Nam sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi đã đạt được kết quả tích cực. Trong thời gian tới, các DN Việt Nam có thể tăng XK rau quả vào EU, tuy nhiên cần tuân thủ nghiêm quy định về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của thị trường này.

Nguồn: Báo Công An Nhân Dân