SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Euromonitor: Thực phẩm Việt cần nhiều nỗ lực thay đổi để vươn ra thế giới

Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor International (Euromonitor), đối tác thông tin thị trường tại Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2016 (Vietnam Foodexpo 2016) và Hội nghị Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam lần thứ 3 (Food Vietnam 2016), giá trị thực phẩm đóng gói ở Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 9% năm 2016, cao hơn so với năm 2015.

Đối với một số sản phẩm như lương thực và nguyên liệu dùng cho nấu nướng, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng những mặt hàng có giá trị gia tăng và được đóng gói. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi tiền cho thực phẩm dinh dưỡng và những sản phẩm có lợi cho sức khỏe như sữa tươi, sữa chua... Điều này góp phần gia tăng tiêu dùng sản phẩm thực phẩm đóng gói và sẽ được duy trì trong 5 năm tới.

Với 12 hiệp định thương mại tự do, có tham gia TPP hay không thì Việt Nam vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế. Nông sản, thực phẩm Việt Nam vẫn phải vươn lên chính mình trong bối cảnh hội nhập ấy.

Bà Emil Fazira - Chuyên gia phân tích cấp cao về thực phẩm và dinh dưỡng, đại diện Euromonitor cho rằng, cùng với việc khả năng chi trả của người tiêu dùng tăng lên, các thương hiệu Việt Nam xây dựng được uy tín về chất lượng sẽ được lựa chọn nhiều hơn so với những thương hiệu ngoại. Điển hình như Vinamilk, thương hiệu này đã duy trì thành công vị trí số 1 về thực phẩm và sữa cho trẻ em. Đối với đồ ăn như bánh kẹo, sô cô la, các tập đoàn đa quốc gia vẫn nắm giữ thị phần lớn. Đối với một số sản phẩm như nước chấm, ngoài chất lượng cần phải phù hợp khẩu vị của địa phương. Nhiều công ty thực phẩm của Việt Nam đã thành công trong việc khác biệt hóa thương hiệu của họ, như Tập đoàn Masan đã thống lĩnh thị trường nước mắm và nước tương. Ở thị trường nước ngoài thì các thương hiệu thực phẩm Việt Nam vẫn chưa phổ biến và số lượng vẫn còn ít.

Do đó, để có thể tiếp cận thị trường quốc tế đối với các thương hiệu thực phẩm Việt Nam, bà Emil Fazira cho rằng cần lưu ý hai vấn đề quan trọng: Một là đặc sản, với người tiêu dùng, đặc biệt là ở những nước phát triển rất thích việc nếm thử hương vị lạ và món ăn khác biệt như phở sẽ giúp họ làm quen với thương hiệu Việt. Hai là giá cả, đối với những sản phẩm có độ dao động về giá cả nhiều hơn, các thương hiệu Việt có thể tận dụng xu thế ở thị trường khác để đưa ra những sản phẩm tương tự mà giá thấp hơn. Như các công ty Thái Lan đã nhanh chóng bắt chước xu hướng của Nhật Bản trên thị trường nội địa và cả xuất khẩu.

Tại Hội thảo “Xây dựng chiến lược thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm Việt Nam” diễn ra hồi tháng 10/2015 tại Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã thẳng thắn thừa nhận: Ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, công tác xây dựng thương hiệu vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến kim ngạch xuất khẩu chưa cao, giá trị xuất khẩu các mặt hàng còn thấp.

Những cố gắng đơn lẻ của các doanh nghiệp thực phẩm Việt chưa thu được nhiều hiệu quả trong việc tạo dựng các sản phẩm chất lượng đặc sắc, giá cả cạnh tranh, có thương hiệu mang tầm ảnh hưởng mạnh ở thị trường trong và ngoài nước. Chính vì vậy, Việt Nam cần xây dựng một thương hiệu chung cho cả ngành thực phẩm để có thể tạo nên một kiến trúc thương hiệu chặt chẽ, có tác động chiến lược, đem đến sự phát triển cho từng dòng sản phẩm và thúc đẩy tính hợp tác giữa các doanh nghiệp. Đây là hướng đi đã từng được nhiều quốc gia Châu Á áp dụng thành công như: Thái Lan, Hàn Quốc…

Từ cuối năm 2014, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã chính thức khởi động Chương trình Xây dựng thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm Việt Nam với mục tiêu định vị thương hiệu chung cho ngành thực phẩm; tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế về thực phẩm Việt Nam; xây dựng uy tín về chất lượng và vị trí cũng như gia tăng mạnh mẽ xuất khẩu thực phẩm Việt Nam.

“Xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình Thương hiệu quốc gia. Để thực hiện thành công chương trình này cần một lộ trình cụ thể và dài hạn”- Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Hiện đã có 9 Hiệp hội ngành hàng đăng ký đồng hành cùng Chương trình Xây dựng Thương hiệu Quốc gia ngành Thực phẩm Việt Nam gồm: lương thực, cà phê-ca cao, chè, trái cây, thủy sản, tiêu, điều, mật ong và dừa.

Các tin khác