Bắt đầu trồng tiêu từ năm 1986, anh Phương Thành Trận ngụ tại thôn 10 xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (Bình Phước) đã cùng cây tiêu trải qua bao thăng trầm, nếm trải nhiều thất bại lẫn thành công. Từ con "số không” tròn trĩnh, nhờ vào cây tiêu, đến nay anh Trận sở hữu hơn 40 ha đất, trong đó, 15 ha canh tác hồ tiêu bền vững đạt chứng nhận hữu cơ.
Được chủ nhà dẫn ra thăm vườn tiêu, chúng tôi khá ấn tượng vì hàng ngàn trụ tiêu khỏe mạnh, xanh tốt, đều răm rắp bám vào thân cây keo vươn cao tới 6-7m, đường kính thân cây tiêu rộng hơn 1 mét, 2 người ôm không xuể. Cả vườn tiêu trong giai đoạn kinh doanh, từng chùm hạt tiêu dài, căng bóng đang thời kỳ vào mẩy. Ngạc nhiên hơn, rất nhiều vườn tiêu của bà con trong khu vực bị ngả vàng, lay lắt vì dịch bệnh, thì vườn tiêu của anh Trận vẫn tràn đầy sức sống.
Anh Trận thổ lộ, nhiều năm trước, vì muốn sản xuất nguồn hàng sạch, an toàn cho sức khỏe, đặc biệt từ thời điểm 2017 khi giá tiêu bắt đầu đi xuống, trong khi phân thuốc ngày tăng cao, chưa kể gặp phân giả, phân kém chất lượng, nên anh tìm hiểu về quy trình hữu cơ. Biết mô hình mới này sẽ nhiều khó khăn nhưng anh vẫn quyết định bắt tay vào thực hiện.
“Trước đây, tôi sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhưng bây giờ bỏ hết, kể cả các chất kích thích tăng trưởng cũng không được sử dụng. Cỏ trong vườn chỉ dùng máy phát và để hoai mục tại chỗ làm phân, vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo độ ẩm và phì nhiêu cho đất”, anh Trận nói.
Bới một nắm đất u sần ở quanh gốc tiêu, gạt đi lớp đất mỏng lộ ra những chú giun bò lúc nhúc, anh Trận cho biết thêm, kể từ ngày đoạn tuyệt với phân bón vô cơ, đất vườn ngày càng tơi xốp, có độ ẩm cao. Hệ sinh vật có lợi như giun và các loại côn trùng phát triển khá phổ biến, không khí trong vườn mát lành, thân thiện là động lực để anh thực hiện thành công mô hình này.
Theo anh Trận, nói thì dễ nhưng để làm được mô hình hữu cơ như vậy không hề đơn giản, đòi hỏi người trồng phải có tư duy và kiên nhẫn bởi làm bất cứ việc gì muốn thành công thì cũng cần đặt ra lộ trình cụ thể.
Bên cạnh đó, người trồng cũng phải có kiến thức nhất định về khoa học kỹ thuật bệnh lý cây tiêu để bắt bệnh và tích hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Cuối cùng, vốn cũng là một phần không thể thiếu để quyết định thành bại của mô hình. Bởi như đã biết, tiêu là loại cây dài ngày, nếu thuận lợi từ khi trồng đến khi được thu hoạch phải mất ít nhất 3 đến 4 năm và kéo dài 15 đến 20 năm.
Chia sẻ về bí quyết của mình, anh Trận không ngần ngại chia sẻ, để vườn tiêu phát triển bền vững phải tuyệt đối tuân thủ 4 nguyên tắc, đó là: Trồng tiêu trên trụ sống; chọn giống sạch bệnh; nền đất có khả năng thoát nước tốt, đảm bảo nguồn nước tưới quanh năm; bón phân hợp lý, chủ động phòng trừ sâu, bệnh.
Theo đó, trồng tiêu trên trụ sống, nhất là trên cây keo không chỉ che mát, giúp dây tiêu quang hợp tốt mà còn cho phép kéo dài thời gian khai thác, hạn chế được các dịch bệnh nguy hiểm và có thể giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu. Hơn nữa, keo là cây họ đậu nên không cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu và cành lá dùng làm phân xanh bón cho cây rất tốt.
Về giống, tuyệt đối không lấy hom trong vườn tiêu đã bị bệnh. Nên chọn giống tiêu Vĩnh Linh vì có khả năng kháng bệnh tốt. Về nước, do đặc tính cây dây leo nên cây tiêu cần rất lớn lượng nước tưới quanh năm, nhất là tiêu kinh doanh bước vào giai đoạn phân hóa mầm hoa. Do đó người trồng cần trang bị hệ thống tưới tự động để điều tiết lượng nước phù hợp, giảm công lao động.
“Đặc biệt lưu ý, tuy thích nước nhưng cây tiêu rất sợ ngập úng, bởi ngập úng là một trong những nguyên nhân làm hư bộ rễ khiến tiêu chậm phát triển và là tác nhân chính nấm bệnh ký sinh. Do đó, nền để đất trồng tiêu cần có độ dốc thoải, có mương thoát nước, không nên trồng tiêu quá sâu và thường xuyên vun gốc để tạo độ dày cho rễ phát triển”, anh Trận phân tích.
Về phân bón, do không sử dụng phân hóa học nên cần chọn những loại phân chuồng có hàm lượng dinh dưỡng cao như dê, gà, dơi ủ với men vi sinh kết hợp các loại phân hữu cơ hiện đã phổ biến trên thị trường. Ngoài ra, độ dày thảm thực vật là thước đo hiệu quả của mô hình canh tác hữu cơ. Vì thế, cần giữ lại cỏ, để nơi trú ẩn của vi sinh vật có lợi, giữ ẩm, chống xói mòn, tạo độ tơi xốp cho đất, giúp cây hấp thụ nhanh phân bón.
Tiêu hữu cơ giá cao, không lo đầu ra
Những năm gần đây, cùng với việc giá tiêu tụt thấp kéo dài, chi phí vật tư tăng cao, nhiều nông dân còn tán gia bại sản vì tiêu bị dịch bệnh tàn phá. Tuy nhiên, mô hình trồng tiêu hướng hữu cơ của anh Phương Thành Trận vẫn luôn duy trì ổn định được năng suất, tiêu sạch bệnh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, luôn có giá cao và làm tới đâu, được doanh nghiệp tranh đặt mua tới đó.
Nói về chi phí sản xuất, anh Trận tiết lộ, làm nông nghiệp hữu cơ cốt yếu là làm sao cho đất tơi xốp, giúp rễ cây phát triển khỏe để chống chọi với nấm bệnh. Chính vì vậy, chủ yếu giai đoạn đầu thực hiện mô hình tốn nhiều chi phí cho khâu cải tạo đất, khi đất đã hình thành được nền hữu cơ, mỗi năm chỉ cần châm lượng phân cần thiết vừa đủ dùng là cây tự phát triển xanh tốt, giúp chi phí thấp dần qua từng năm.
Theo anh Trận, nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, sản phẩm làm ra tới đâu được đối tác thu mua hết đến đó để xuất khẩu sang Nhật Bản và Châu Âu. Trong khi giá tiêu ngoài thị trường quanh mức 80.000/kg, tiêu của gia đình anh được đối tác thu mua với giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng vụ vừa qua, gia đình anh thu hoạch được trên 10 tấn tiêu, thu về hơn 1 tỷ đồng.
“Không chỉ bán giá cao, điều tôi tâm đắc nhất là sức khỏe người trồng được đảm bảo, môi trường được hưởng lợi”, anh Trận phấn khởi nói.
Ông Trần Văn Thành, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp cho biết, địa phương có đất đai màu mỡ nhưng phân tán, mỗi gia đình chỉ sở hữu vài nghìn m2 đất. Trong những cây công nghiệp lâu năm, cây tiêu là một trong những cây phù hợp quy hoạch của địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Trung bình 1.000 m2 đất, bà con trồng được khoảng 200 trụ tiêu, nếu chăm sóc bài bản năng suất đạt 600 đến 1.000 kg, với giá 80.000 đồng/kg bà con có thể thu nhập vài chục triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Thời điểm trước đây, giá tiêu xuống thấp, bà con bỏ bê chăm sóc khiến diện tích tiêu tại địa phương thu hẹp dần. Nhưng không phải tất cả đều như vậy, nhiều gia đình vẫn làm giàu từ cây hồ tiêu nhờ kiên trì bám trụ và có cách làm mới phù hợp với nhu cầu thị trường.
“Họ là những người nông dân nhạy bén với thời kỳ hội nhập, dám nghĩ, dám làm, quyết thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng ngành hồ tiêu bằng sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Khi sản xuất hồ tiêu hữu cơ, người nông dân chấp nhận vất vả hơn, nhưng bù lại sẽ có giá bán cao trên thị trường và mô hình canh tác tiêu của anh Phương Thành Trận là một trong những mô hình như thế”, ông Thành chia sẻ.
Ông Đoàn Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp cũng cho rằng, phát triển nông nghiệp, trong đó có cây hồ tiêu là thế mạnh của huyện. Ngoài các cơ chế chính sách ưu đãi cho cây trồng chủ lực theo quy định, địa phương đang tiếp tục xây dựng các mối liên kết, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Nông dân cần thay đổi phương pháp sản xuất theo hướng sạch, an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, có đầu ra bền vững.
Theo NNVN