SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Doanh nghiệp thực phẩm Việt làm gì để không vuột mất thị trường nội địa trăm tỷ USD?

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ chủ động hơn trong đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm chủ lực để cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại. Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định như vậy khi nói về cơ hội phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm đồ uống trong nước trước làn sóng nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam.

Lĩnh vực công nghiệp thực phẩm và đồ uống đang thu hút sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp nước ngoài. Đó có phải là sức ép lớn đối với các doanh nghiệp nội trong nỗi lo để vuột mất thị trường trong nước, thưa ông?

Ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống đang được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt chú ý. Minh chứng là các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm đối tác phân phối, liên doanh, bỏ vốn đầu tư ngày càng nhiều. Mới đây nhất, đoàn 41 doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống châu Âu và đoàn doanh nghiệp thực phẩm Iceland đã đến khảo sát thị trường nước ta.

 
 

Theo tôi, trong bối cảnh trên, sức ép cạnh tranh về nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì, tiếp thị… với doanh nghiệp nội là không thể tránh khỏi, nhưng đó cũng là xu thế tất yếu khi Việt Nam mở cửa, hội nhập rộng hơn với thế giới. Các doanh nghiệp sẽ tự chuyển đổi thông qua đầu tư công nghệ sản xuất, phát triển sản phẩm thế mạnh để giữ được khách hàng, thị trường của mình. Đó là những động lực cần thiết để thị trường phát triển.

Không ít doanh nghiệp cho rằng, hàng hóa trong nước sẽ khó cạnh tranh hơn, khi cùng với hiệp định thương mại tự do với EU, hay Hàn Quốc, thuế nhiều mặt hàng nhập khẩu sẽ giảm?

Như tôi đã nói, cạnh tranh là có, nhưng không phải là cạnh tranh trực tiếp với tất cả các mặt hàng. Đơn cử, sản phẩm của các doanh nghiệp châu Âu chủ yếu là thực phẩm xứ ôn đới, gồm thịt bò, cá nước lạnh, rượu vang các loại…, nhắm đến phân khúc khách hàng nhỏ, qua kênh bán lẻ hiện đại.

Có chăng, chúng ta sẽ cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm sữa nhập khẩu, nhưng cũng không nên lo lắng quá, bởi ngành sữa trong nước đang thay đổi nhanh. Các sản phẩm sữa của Vinamilk, Nutifood… đã xuất khẩu được ra nước ngoài và cũng có chỗ đứng vững tại thị trường trong nước.

Trong bối cảnh hội nhập sâu, hàng hóa nước ngoài tràn vào thị trường trong nước ngày càng nhiều, thì không thể không có rủi ro với doanh nghiệp trong nước?

Vẫn rủi ro, vẫn có nguy cơ, nhưng đó là nguy cơ từ chính mình, chứ không phải từ ai khác. Nếu doanh nghiệp nội không ý thức để tự thay đổi mình, tự vươn lên bằng việc tự tìm kiếm thông tin thị trường, tìm hiểu thị hiếu khách hàng, dựa trên thế mạnh của mình để đầu tư công nghệ sản xuất… thì sẽ giậm chân tại chỗ và khả năng nhường thị trường cho các nhà sản xuất khác hoàn toàn có thể xảy ra.

Là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng công nghiệp chế biến vẫn chưa khai thác được thế mạnh trên. Để khắc phục điều này, chúng ta cần bắt đầu từ đâu, thưa ông?

Việt Nam có nguồn cung lớn và phong phú các sản phẩm nông sản, thủy sản và công nghiệp thực phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhưng hạn chế của các doanh nghiệp là tập trung sản xuất ở dạng nguyên liệu hoặc sơ chế đơn giản, bao bì và nhãn mác chưa thực sự lôi cuốn, quy mô sản xuất nhỏ vẫn khá phổ biến. Trong khi đó,  yêu cầu hội nhập đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất phải gắn theo chuỗi, liên kết mạnh mẽ từ khâu nguyên liệu, đầu tư sản xuất, công nghệ, chế biến và tiêu thụ.

Theo tôi, để phát triển bền vững, thì doanh nghiệp, nông dân phải liên kết mạnh hơn, nghiên cứu đầu tư sản phẩm mà thị trường cần, không chỉ đơn thuần bán những thứ mình có, kết hợp với đầu tư công nghệ sản xuất, bao bì, tiếp thị sản phẩm, “bắt tay” với các doanh nghiệp ngoại, các nhà nhập khẩu để sản xuất theo thị hiếu của từng thị trường.

Đó là lý do để năm nay, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức kỳ thứ 2 của Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2016 (Vietnam Foodexpo 2016)?

Vietnam Foodexpo kỳ đầu tiên được tổ chức năm 2015, với thành công ngoài mong đợi. Sự hiện diện của hơn 300 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại triển lãm này, đã nói lên sức hút của ngành này. Điều đó cũng thể hiện ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đang không ngừng vươn lên, bắt nhịp với những xu thế vận động của thị trường, những đổi thay và thị hiếu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.

Triển lãm năm nay quy tụ hơn 400 doanh nghiệp, nhà sản xuất và cung ứng nội địa và các nhà nhập khẩu, phân phối nước ngoài. Ngoài việc thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp nổi tiếng, doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia, Triển lãm còn có sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp, là những doanh nghiệp non trẻ nhưng đã có hướng đi chiến lược, nhanh chóng nắm bắt các cơ hội thị trường tại sự kiện lớn như Vietnam Foodexpo 2016.