Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho hàng nông sản.
Sở Công Thương Hà Nội vừa gửi thông tin tới các doanh nghiệp về việc thời gian gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một số quy định mới, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hàng nông sản nhập khẩu.
Cụ thể, chính phủ Trung Quốc ngày càng siết chặt những quy định quản lý nhập khẩu hàng hóa và chủ trương tiến hành thương mại chất lượng cao. Đồng thời không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kiểm tra vùng trồng, nhà máy... đối với hàng hóa nói chung, hàng hóa nhập khẩu nói riêng.
Trong khi đó, các hộ sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam chưa kịp thay đổi và thích nghi với những điều chỉnh mới của Trung Quốc, chất lượng chưa đồng đều, công tác bảo quản sau thu hoạch còn nhiều bất cập, dẫn đến chưa đáp ứng tốt các quy định của Trung Quốc về điều kiện xuất khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành bắt buộc phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc thì mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Sở Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp Hà Nội muốn xuất khẩu sản phẩm thực phẩm vào thị trường này đều phải đăng ký với Tổng cục Hải quan nước này để nhận mã số, sau đó mới được phép xuất khẩu.
Mỗi mã số doanh nghiệp phải khai báo đầy đủ tất các các thông tin liên quan đối với từng nhóm doanh nghiệp, nhóm sản phẩm và loại hình sản xuất (thực hiện theo văn bản số 101/SPS-BNNPTNT ngày 19/4/2022 của Văn phòng SPS Việt Nam – Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn).
Để đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh 248 và Lệnh 249 về “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu” và “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” vào thị trường Trung Quốc.
“Vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu nội dung 02 lệnh trên để thực hiện đúng quy định, đảm bảo hiệu quả của hoạt động xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc”, Sở Công Thương Hà Nội lưu ý.
Việc đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc thực hiện cụ thể như sau: Đối với các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu thuộc 18 loại phải đăng ký qua cơ quan chức năng, đề nghị các doanh nghiệp liên hệ với các cơ quan, đơn vị theo danh sách kèm theo văn bản này để được hỗ trợ.
Đối với nhóm sản phẩm không phải đăng ký qua cơ quan chức năng Việt Nam, đề nghị các doanh nghiệp đăng ký trực tiếp hoặc ủy quyền cho đại lý đăng ký tại đường link trực tuyến trên website: https://singlewindow.cn theo điều 9 Lệnh 248.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cho rằng xuất khẩu qua biên giới đã có những đóng góp nhất định cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc, tuy nhiên hình thức này cũng đã bộc lộ nhiều yếu điểm.
Cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa giữa hai nước, đặt biệt với hàng hóa nông sản hay xảy ra ùn tắc hàng hóa, chậm thông quan khi có thay đổi về chính sách tại khu vực cửa khẩu; các doanh nghiệp xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở thiếu chiến lược phát triển lâu dài, hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn; cơ sở hạ tầng cửa khẩu biên giới đường bộ chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời theo nhu cầu và quy mô thương mại song phương; tổ chức sản xuất, chất lượng, đóng gói sản phẩm không đảm bảo, không đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu…
Chính vì vậy, việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu qua biên giới chuyển sang hình thức chính ngạch là rất cần thiết để tạo ra động lực nâng cao chất lượng hàng hóa.
Đồng thời xuất khẩu chính ngạch đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật không chỉ của thị trường Trung Quốc mà còn của các thị trường khác trên thế giới, góp phần đa dạng hóa thị trường, đảm bảo hoạt động xuất khẩu nông sản phát triển bền vững…
Nguồn: VnEconomy - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Quốc tế