SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Khai thông, đẩy mạnh xuất khẩu thị trường nông lâm thủy sản

Tám tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước đạt 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là kết quả từ những nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời gian qua. Trong những tháng cuối năm, nếu tốc độ này được giữ vững thì mục tiêu 55 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm 2022 hoàn toàn khả thi.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trong 8 tháng của năm 2022 ước đạt khoảng 66,2 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt khoảng 36,3 tỷ USD, tăng 13,1%; nhập khẩu ước đạt khoảng 29,9 tỷ USD, tăng 3,9%.

KHAI MỞ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CHÍNH NGẠCH

Đánh giá về kết quả 8 tháng năm 2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cho biết thời gian qua Bộ đã rất nỗ lực trong việc “khai mở“ thị trường xuất khẩu cho nông lâm thủy sản, nhờ vậy nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, New Zealand, Trung Đông).

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy san tháng 8 và 8 tháng 2022

Đáng chú ý, chuỗi cung ứng thủy sản an toàn tiếp tục duy trì đã đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu; số sản phẩm xuất khẩu gia tăng; doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm. Do đó, kết quả xuất khẩu tháng 8 và 8 tháng năm 2022 đạt được tốc độ tăng trưởng cao.

Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông lâm thủy sản ước gần 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính gần 15 tỷ USD, tăng 7,4%; lâm sản chính trên 11,8 tỷ USD, tăng 6,2%; thủy sản trên 7,5 tỷ USD, tăng 35,3%; chăn nuôi 258,6 triệu USD, giảm 12,2%; đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 48,2%.

Trong 8 tháng qua, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ).

Về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 8 tháng năm 2022, khu vực châu Á (chiếm 43,1% thị phần), châu Mỹ (28,9%), châu Âu (11,8%), châu Đại Dương (1,7%) và châu Phi (1,6%). Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam, đạt gần 9,6 tỷ USD (chiếm 26,4% thị phần). Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 6,5 tỷ USD (chiếm 17,8% thị phần). Ở vị trí thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,7 tỷ USD (chiếm 7,4%) và thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,7 tỷ USD (chiếm 4,7%).

THỦY SẢN TĂNG TRƯỞNG NHƯNG SẼ KHÓ KHĂN HƠN

Mặc dù xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt được những kết quả tích cực, song với riêng ngành thủy sản, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: “Lạm phát toàn cầu bắt đầu phủ bóng lên xuất khẩu thủy sản Việt Nam”.

Cụ thể, sau khi tăng vọt 85% trong tháng 4/2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam bắt đầu có xu hướng chững lại trong tháng 5 (đặc biệt tại thị trường Hoa Kỳ); sang đến tháng 6 chuyển sang tăng trưởng âm, với mức giảm 8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng 40% so với năm 2021.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng năm 2022 tăng mạnh

Tháng 7/2022, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ giảm sâu hơn, tới 30,5%. Trong đó, xuất khẩu tôm sú giảm mạnh nhất 69%, tôm chân trắng giảm gần 55%. Xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ tháng 7 cũng giảm 4%. Ghẹ cũng nằm trong top 5 loài thủy sản được xuất khẩu nhiều sang thị trường này, nhưng đã giảm 22% trong tháng 7. Mặc dù vậy, tính chung 7 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Với thị trường EU, trong quý 2/2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng trưởng 31%, nhưng sang tháng 7, mức tăng trưởng đã hạ xuống còn 18%. Một số mặt hàng giảm xuất khẩu là nghêu giảm 1%, mực giảm 17%, chả cá surimi giảm 26%... Tính đến hết tháng 7/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 818 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021.

Tương tự các nước EU, thị trường Anh cũng quay cuồng trong vòng xoáy lạm phát với mức cao kỷ lục 40 năm qua, tính đến tháng 7/2022, tỷ lệ lạm phát đã lên tới 10,1%. Chính vì thế, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh trong quý 2/2022 đã giảm 12%, và sang tháng 7/2022 tiếp tục giảm 18%. Trong đó, tôm giảm 27%, cá ngừ và các loại cá biển khác giảm lần lượt 54% và 28%. Lạm phát giá và thiếu cá tuyết và cá minh thái từ Nga nên người Anh dành sự lựa chọn nhiều hơn cho cá tra, nhờ đó, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Anh vẫn tăng 45% trong tháng 7. Tuy nhiên, cá tra vẫn không đủ sức để kéo tăng trưởng cho cả ngành, vì thế tính đến hết tháng 7/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh chỉ đạt 176 triệu USD, giảm gần 5% so với cùng kỳ.

Đối với thị trường Trung Quốc, từ tháng 7/2022, nước này đã công bố bỏ đình chỉ với các lô hàng bị phát hiện có dấu vết virus corona, nhưng vẫn kiểm tra online qua video và thực tế vẫn có lệnh đình chỉ với doanh nghiệp nếu bị phát hiện không đáp ứng các tiêu chuẩn của Trung Quốc về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Vì lý do đó, trong tháng 7/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc giảm sút, trong đó tôm giảm 17%, cua ghẹ giảm 47%. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra vẫn giữ tăng trưởng 54%, xuất khẩu mực bạch tuộc tăng 140% so với cùng kỳ...

Mặc dù vẫn còn những khó khăn về nguyên liệu, tỷ giá, lạm phát khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nửa cuối năm không thể duy trì được tăng trưởng cao như nửa đầu năm, nhưng theo bà Hằng, vẫn có thể lạc quan vào con số xuất khẩu thủy sản trên 10 tỷ USD cho cả năm 2022 khi mà trong 7 tháng năm 2022, chúng ta đã xuất khẩu được gần 6,7 tỷ USD.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết, "Trong 4 tháng cuối năm, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành đàm phán mở cửa thị trường đối với các sản phẩm gồm: nhãn xuất khẩu đi Nhật Bản; tiếp tục đàm phán các sản phẩm chanh leo, dừa xuất khẩu đi Hoa Kỳ, bưởi xuất khẩu sang Hàn Quốc, chanh leo xuất khẩu sang Australia, cây có múi xuất khẩu đi New Zealand. Triển khai Nghị định thư về sầu riêng và hướng dẫn tạm thời đối với chanh leo xuất khẩu sang Trung Quốc; chuẩn hóa lại các quy định liên quan đến các loại quả tươi truyền thống xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chúng tôi cũng đã và đang chủ động chuẩn bị tốt các hồ sơ kỹ thuật, tích cực đàm phán để mở cửa thị trường cho nông sản xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn và tiềm năng. Cụ thể: Trung Quốc (tổ yến, bơ, bưởi, na, roi, dừa…), Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo, xuất khẩu gia cầm đã qua xử lý nhiệt), Hàn Quốc (tôm, bưởi, vú sữa, chanh leo, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến), Myanmar (bưởi, xoài), Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa), Australia (tôm tươi, chanh leo), New Zealand (chanh ta, chanh leo, nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu)…

Mặt khác, giải quyết các vấn đề rào cản kỹ thuật phát sinh tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu; đa dạng hóa các biện pháp xử lý đối với một sản phẩm để đảm bảo kéo dài thời gian bảo quản, diệt trừ triệt để đối tượng kiểm dịch thực vật, tăng khả năng cạnh tranh cao cho nông sản Việt Nam".

Nguồn: VnEconomy - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới