Lý do là nhiều nước châu Âu rơi vào lạm phát kỷ lục, việc tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm có giá cao bị hạn chế cộng với việc đứt nguồn cung thủy sản từ Nga. Doanh nghiệp Việt tận dụng thời cơ này như thế nào?
Đơn hàng cá liên tiếp tăng
Ông Trần Văn Lật, đại diện Công ty TNHH Lộc Kim Chi (Vĩnh Long), cho biết đơn vị đang đẩy mạnh xuất khẩu cá tra phi lê sang thị trường nước Anh, dao động 200 - 240 tấn/tháng, tương đương 10 - 12 container. Sắp tới đơn hàng sẽ còn tiếp tục tăng.
Doanh nghiệp này đã xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh hơn bốn tháng qua. Ngoài ra, doanh nghiệp còn xuất khẩu sang nhiều nước như Đức, Pháp, Canada..., không còn tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc như trước đây. "Lúc trước tập trung xuất khẩu vào Trung Quốc nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi họ kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt" - ông Lật kể.
Ông Lật chia sẻ rằng nhiều doanh nghiệp chế biến cá cũng đang mong cá thịt trắng, cá tra, cá ba sa sẽ được nhiều nước ưa chuộng xuất khẩu, để giúp người nuôi và nhà máy chế biến cá tra bớt thua lỗ do thời gian qua, các doanh nghiệp chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc nên khi bị ách tắc, tồn kho khiến cả doanh nghiệp chế biến và người nuôi đều gặp khó khăn.
"Nguồn nguyên liệu công ty sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nên cố gắng tìm kiếm thị trường để xuất khẩu khoảng 200 - 250 tấn/ngày là được. Tôi xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh có giá 2,8 - 2,85 USD/kg (tương đương 66.000 - 68.000 đồng/kg)" - ông Lật cho hay.
Tương tự, đại diện một công ty có xuất khẩu cá tra nhất nhì Việt Nam cho hay vì thị trường Anh là thị trường cá tra lâu năm nên việc tăng lượng cá tra xuất khẩu sang thị trường này không phải là chuyện chưa xảy ra.
"Nhưng chúng tôi bất ngờ vì trong tháng 8, lượng xuất gấp 4 - 5 lần các tháng trước, thậm chí hơn các năm về trước. Trong tháng 9, chúng tôi sẽ xuất đơn hàng rất lớn và tập trung hết vào đây vì đây là thời cơ cần phải tận dụng", vị này cho hay.
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại An Giang - Ảnh: MINH KHANG
Dự báo cá tra còn "đổ" mạnh sang châu Âu
Đại diện Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) cho biết hiện nay xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh và các nước châu Âu tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái rất nhiều. Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường này ổn định và tăng mạnh hơn nữa vì từ thời điểm này đến cuối năm là giai đoạn xuất khẩu mạnh của ngành hàng cá tra của Việt Nam hằng năm.
"Ngành cá tra Việt Nam sẽ xuất khẩu tăng mạnh vào quý 3 và quý 4 do các nước chuẩn bị các ngày lễ cuối năm và đầu năm mới. Mạnh nhất từ tháng 9, 10, 11 hằng năm. Chúng tôi đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất và sẵn sàng đáp ứng đầy đủ mà không cần lo lắng. Chúng tôi có hai nguồn là vùng tự nuôi cá và kho chứa. Do đó, chúng tôi sẽ đáp ứng đủ nguyên liệu xuất khẩu từ nay đến cuối năm cho các thị trường" - đại diện Công ty Vĩnh Hoàn tự tin.
Ông Lê Chí Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang (AFA) - cho biết trước đây thị trường Anh mua cá tra của Việt Nam thông qua một công ty trung gian của nước khác. Họ mua cá tra của Việt Nam rồi đóng gói xuất khẩu sang Anh nên không biết sản lượng ra sao. Sau này mối bang giao giữa Việt Nam - Anh được thiết lập tốt, họ sang Việt Nam mua trực tiếp cá tra nhiều hơn. Do đó, cá tra xuất khẩu sang Anh ngày càng nhiều hơn trước.
"Sở dĩ có tình trạng bán hàng cho bên đóng gói trước đây là do doanh nghiệp chúng ta không chào hàng trực tiếp mà cứ lo bán, ai mua thì bán. Chính vì vậy, doanh nghiệp khác họ đến mua cá tra rồi đóng bao bì tên công ty của họ rồi xuất khẩu, dù có để xuất xứ Việt Nam nhưng chữ rất nhỏ. Tôi nghĩ thời điểm này doanh nghiệp nên chủ động hơn nữa" - ông Bình nói.
Ông Dương Nghĩa Quốc - chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - cho biết vài tuần gần đây, thị trường Anh và các nước châu Âu đang tăng cường nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Ngoài chuyện lạm phát cao, người dân cần nguồn thực phẩm có giá phù hợp thì việc "đứt nguồn" cá thịt trắng đến từ Nga cũng là lý do dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ này. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra sang Anh vào tháng 8-2022 đã tăng gấp ba lần cùng kỳ 2021.
Ông Quốc cũng chia sẻ thị trường châu Âu là thị trường khó tính, nhiều sản phẩm nông nghiệp, trong đó có cá tra, đã thâm nhập từ lâu nhưng gần đây do nhu cầu tiêu dùng nên số lượng cần nhập khẩu đã tăng mạnh. Vì thế, bên cạnh việc các doanh nghiệp phải chuẩn bị được nguồn hàng ổn định, cung ứng hàng hóa kịp thời thì phải cố gắng đảm bảo hàng hóa đạt chất lượng theo yêu cầu của khách hàng để giữ uy tín.
"Thị trường Anh và châu Âu đang rất cần cá thịt trắng, Việt Nam đang đáp ứng rất tốt trong việc xuất khẩu thủy sản vào các thị trường này. Theo đánh giá của các doanh nghiệp và thông tin chúng tôi nắm được, có thể từ đây đến cuối năm việc xuất khẩu thủy sản vào Anh và các nước châu Âu sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn nữa" - ông Dương Nghĩa Quốc nói.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online