Xu hướng tiêu dùng thực phẩm mới cũng được cho là sẽ tạo ra những khoảng trống mênh mông cho các nhà đầu tư, trong việc đưa ra các lựa chọn sản xuất lành mạnh và bền vững hơn.
Theo đó, báo cáo nghiên chung của bộ ba hãng kiểm toán- công ty dịch vụ tài chính ngân hàng và nhà đầu tư hàng đầu thế giới đã đưa ra dự báo: Chi tiêu cho thực phẩm trong khu vực châu Á sẽ đạt hơn 8 nghìn tỷ đô la vào đầu thập kỷ tới, so với con số 4 nghìn tỷ đô la vào năm 2019 và trở thành thị trường thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới.
Báo cáo mang tên “Thách thức Thực phẩm châu Á 2021” của nhóm còn cho biết: Phần lớn nhu cầu trên không những sẽ đến từ việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân trong một khu vực ngày càng có ý thức về sức khỏe, hiểu biết về công nghệ, kỹ thuật số, mà còn do dân số đang gia tăng nhanh chóng. Ước tính đến năm 2030, châu Á dự kiến sẽ là nơi sinh sống của 4,5 tỷ người và chiếm tới 65% tầng lớp trung lưu trên thế giới. Cụ thể đến năm 2030, dân số thành thị của châu Á sẽ tăng thêm 578 triệu người và chiếm gần 50% tổng dân số thành thị toàn cầu. Trong đó gần 75% dân cư thành thị của lục địa này sẽ tập trung ở Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ.
“Người dân muốn dùng thực phẩm lành mạnh hơn, an toàn hơn và họ muốn mua trực tuyến cũng như họ sẽ lựa chọn những thực phẩm bền vững”, Anuj Maheshwari, giám đốc điều hành kinh doanh nông sản của công ty đầu tư khổng lồ Singapore Temasek, nói với CNBC.
Ấn Độ và Đông Nam Á được coi là những khu vực có mức tăng chi tiêu lớn nhất, với tốc độ kép hàng năm lần lượt là 5,3% và 4,7%. Tuy nhiên Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường lớn nhất.
Nghiên cứu vừa được công bố dựa trên cuộc khảo sát với sự tham gia của 3.600 người tiêu dùng trên khắp 12 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, cũng như các cuộc phỏng vấn, trò chuyện với các giám đốc điều hành cấp cao trong lĩnh vực thực phẩm và phân tích của hơn 3.000 công ty thực phẩm và đồ uống vẫn đang hoạt động.
Theo các chuyên gia, sự gia tăng nhanh chóng của thị trường thực phẩm và đồ uống tại lục địa đông dân số nhất hành tinh đang gây áp lực lớn lên một hệ sinh thái thực phẩm vốn đã mỏng manh, và đang phải chịu những áp lực lớn kể từ khi đại dịch coronavirus bùng phát.
Theo báo cáo, khu vực này sẽ cần 1,55 nghìn tỷ đô la đầu tư từ nay đến năm 2030 cho toàn bộ chuỗi giá trị để đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng của người dân. Trong đó bao gồm 750 tỷ đô la cho các khoản đầu tư thượng nguồn (đầu vào mới) cùng với khoảng 800 tỷ đô la để nâng cấp, đổi mới cải thiện các nguồn lực hiện có. Chuyên gia Maheshwari cho biết, điều này sẽ mang lại cơ hội thương mại đáng kể cho các nhà đầu tư, đồng thời gọi đây là một “miếng bánh lớn ở châu Á”.
Cụ thể, báo cáo nêu rõ sáu “xu hướng quan trọng”, bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, sản phẩm tươi sống, xuất xứ an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu dùng bền vững, protein thay thế và mua sắm trực tuyến. Ông Maheshwari nói: “Những xu hướng này sẽ là tất cả những gì mà các doanh nghiệp nông nghiệp cần tập trung vào để đảm bảo rằng người tiêu dùng có thể mua được loại thực phẩm này”.
Thống kê của nền tảng công nghệ AgFunder cho thấy, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nông nghiệp đã tăng đáng kể từ năm 2014, với tốc độ tăng trưởng 377% và hiện đã cán mốc 30,5 tỷ USD.
Các khoản đầu tư vào mảng nghiên cứu và phát triển (R &D) cho nông nghiệp tại châu Á dự báo sẽ tiếp tục tăng vì còn dư địa lớn, mặc dù với tốc độ thấp hơn mức lý tưởng, nhất là khi các khoản đầu tư này có tỷ lệ lợi nhuận được dự báo cao tại các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia tại châu Á vẫn sẽ tiếp tục gặp vấn đề đầu tư khi không đủ nguồn lực cho nghiên cứu nông nghiệp như Campuchia, Lào và Pakistan đều đang có tỷ lệ dưới 0,2% tổng GDP nông nghiệp dành cho nghiên cứu, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ tỷ lệ này vẫn tương đối thấp, lần lượt là 0,5% và 0,4%. Do vậy những tiến bộ công nghệ được cho là sẽ rất khác biệt giữa các quốc gia vì “những khác biệt về thể chế”.
Báo cáo “Thách thức Thực phẩm châu Á 2021” cũng đưa ra cảnh báo: “Các quốc gia có thu nhập cao hơn trong khu vực sẽ đối mặt với các mối lo xã hội khác như béo phì, tiểu đường và sụt giảm khả năng tự cung tự cấp thực phẩm nội địa… Đặc biệt là tại các nước có thu nhập trung bình thấp, trọng tâm sẽ là vấn đề suy dinh dưỡng và thiếu dinh dưỡng cũng như các vấn đề nguồn cung như tiệm cận năng suất trần. Ngay cả trong nội bộ các quốc gia trong vùng, bất bình đẳng thu nhập, chất lượng cơ sở hạ tầng và sự phân hóa giữa thành thị và nông thôn sẽ tạo ra những quỹ đạo hệ thống thực phẩm khác nhau. Điều này đặc biệt đúng ở các nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, nơi mà các vấn đề bất bình đẳng đang tạo ra những khác biệt lớn”.
Theo CNBC, NNVN