Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 500 nghìn tấn gạo, đem về 290 triệu USD. Luỹ kế 7 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu 5,18 triệu tấn gạo với kim ngạch 3,27 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 25,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 632 USD/tấn, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo chuyên trang thị trường lúa gạo Ssricenews, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa công bố kết quả mở thầu gạo tháng 7/2024 với số lượng 320.000 tấn. Tại đợt mở thầu này, các doanh nghiệp gạo của Việt Nam, Thái Lan và Mayanmar cùng quyết liệt tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, phần thắng đã thuộc về Việt Nam, trong khi Thái Lan không giành được gói thầu nào.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam thắng 7 trên tổng số 12 gói thầu. Tổng số lượng gạo mà các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu là 185.000 tấn. Trong số này Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VINAFOOD 1) trúng thầu nhiều nhất với 4 lô với số lượng 104.000 tấn.
Có 3 đơn vị khác trúng mỗi đơn vị 1 lô thầu 27.000 tấn gồm: Tổng công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD 2), Công ty cổ phần quốc tế Gia, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Vi. Đây là những đơn vị sử dụng gạo có nguồn gốc Việt Nam. Ngoài ra, Công ty Mekong Food của Việt Nam cũng trúng thầu 27.000 tấn nhưng sử dụng nguồn gạo từ Myanmar. Bên cạnh đó, 3 lô gạo còn lại chiến thắng cũng thuộc về doanh nghiệp từ Myanmar. Có 1 lô không thành công sẽ phải mở thầu lại.
Theo Ssricenews, giá trúng thầu lần này giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar đồng mức là 563 USD/tấn, cao hơn giá gạo 5% tấm mà Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) công bố hiện nay là 559 USD/tấn. Mức giá này tương đương với giá các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu vào tháng 5/2024. Indonesia dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của nước này sẽ tăng lên 5,18 triệu tấn trong năm 2024, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
Trên thị trường lúa gạo thế giới, trong tuần qua, theo các nhà giao dịch, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 560 USD/tấn vào ngày 1/8, so với mức từ 550-560 USD/tấn một tuần trước đó. Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nguồn cung hiện không cao nhưng chất lượng gạo khá tốt, do đó giá tăng nhẹ.
Tại Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu của nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, trong tuần qua tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2024. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ ở mức từ 543-551 USD/tấn trong tuần này, giảm so với từ 540-547 USD/tấn trong tuần trước.
Ông Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành công ty xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ Satyam Balajee, xác nhận rằng khối lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng chậm lại đáng kể, do thuế xuất khẩu làm giảm lợi thế về giá của nước này trước các nhà cung cấp đối thủ.
Theo các nguồn tin từ Chính phủ trong tháng trước, Ấn Độ có thể hạ giá xuất khẩu tối thiểu gạo basmati và thay thế 20% đối với gạo đồ bằng mức thuế xuất khẩu cố định áp dụng chung, khi dự trữ gạo của nước này tăng lên mức cao kỷ lục.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 570-575 USD/tấn vào ngày 1/8, bằng với tuần trước đó. Theo một nhà giao dịch tại Bangkok, giá có thể đã biến động nhẹ sau khi Indonesia thông báo đấu thầu. Ông nói thêm hiện không có vấn đề về nguồn cung. Các nhà giao dịch phải chờ vài tuần tới để xem liệu Ấn Độ có tiếp tục cấm xuất khẩu hay không.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia là 3 thị trường lớn nhất của xuất khẩu gạo Việt Nam. Trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,98 triệu tấn gạo sang Philippines, chiếm 38,2% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Indonesia đứng ở vị trí thứ hai, với lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đạt 830 nghìn tấn. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu sang thị trường này tăng 44,6% về lượng và tăng mạnh 82,1% về giá trị. Thị trường Indonesia chiếm 16% trong tổng lượng gạo xuất khẩu gạo của nước ta.
Tại Singapore, trong 6 tháng năm 2024, Việt Nam vẫn giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất sang Singapore, chiếm 32,69% thị phần. Điều này đạt được là nhờ mức tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu, đạt giá trị 73,40 triệu SGD (hơn 54,6 triệu USD), tăng 54,67% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện Việt Nam là quốc gia chiếm thị phần lớn nhất tại Singapore đối với 3 nhóm gạo là: gạo tẻ trắng (chiếm 48,62%); gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (chiếm 69,43%) và gạo nếp (78,05%).
Tại Singapore, sau Việt Nam là Thái Lan, Ấn Độ lần lượt có kim ngạch xuất khẩu gạo là 70,73 triệu SGD và 58,41 triệu SGD. Tổng kim ngạch của 3 nước xuất khẩu hàng đầu đã chiếm 90,21% thị phần gạo tại Singapore.
Chiều hướng tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu gạo của Singapore từ năm 2023 tiếp tục được duy trì trong năm 2024, nguyên nhân chính được cho là lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và sự phục hồi nhanh của lượng khách du lịch đến Singapore khiến quốc gia này tăng cường nhập khẩu gạo.
Báo Nikkei Asia ngày 2/8/2024 có bài viết nhận định các nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam đang trong cuộc cạnh tranh với các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan để chiếm lĩnh thị phần lớn hơn tại thị trường gạo tại các quốc gia Đông Nam Á.
Theo Nikkei Asia, Philippines và Indonesia đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo từ các nước láng giềng do nguồn cung trong nước sụt giảm. Việt Nam và Thái Lan đang cạnh tranh quyết liệt để nâng cao thị phần gạo tại các nước này. Tuy nhiên, dường như Thái Lan đã thua so với Việt Nam, khi Việt Nam chiếm tới 70-85% thị phần nhập khẩu gạo của hai quốc gia nêu trên, trong khi Thái Lan chỉ chiếm được 10-20% thị phần.
Theo Nikkei Asia, Philippines đang cắt giảm thuế quan đối với gạo nhập khẩu để bình ổn giá gạo trên thị trường trong nước. Bài viết dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy Philippines - nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới - dự kiến sẽ nhập khẩu 4,1 triệu tấn gạo trong năm nay, cao hơn mức 3,2 triệu tấn trong năm 2023. Trong những năm gần đây, Philippines vẫn là nhà nhập khẩu hàng đầu đối với gạo Việt Nam.