SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt vào thị trường Halal

Quy mô thị trường sản phẩm Halal là rất lớn, không chỉ khu vực Trung Đông mà cả Nam Á, Tây Á, Châu Phi, hay một số nước khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng cơ hội, khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường Halal này...

Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (ISAWAAS) cho biết theo tiếng Ả Rập, "Halal" có nghĩa là "cho phép" hoặc “hợp pháp” theo quy định của kinh Qur'an và luật Sharia của Hồi giáo.

Halal không chỉ đơn thuần liên quan đến sản phẩm không chứa cồn, không chứa thịt lợn hoặc các sản phẩm từ thịt lợn và việc giết mổ theo nghi lễ Hồi giáo. Phạm vi của Halal rộng hơn, nhấn mạnh tính trong sạch của sản phẩm, gần nhất với trạng thái tự nhiên của chúng.

Điều này áp dụng cho những sản phẩm không chứa chất độc hại, thuốc trừ sâu, phân bón, chất bảo quản có hại, chất thải, kháng sinh, hàng hóa bị cấm và các sản phẩm biến đổi gen.

Halal cũng đề cập đến sự trong sạch trong hành vi và lương tâm, đòi hỏi những giá trị đạo đức tốt và lựa chọn đạo đức trong cuộc sống hàng ngày.

Đặc biệt Halal cũng chặt chẽ liên quan đến các vấn đề của nông ghiệp hữu cơ, thương mại công bằng, an toàn sản phẩm, thực hành kinh doanh đạo đức, hành vi con người đối với động vật và kinh tế sinh thái.

Đại diện ISAWAAS cho rằng một cách rõ ràng hơn, Halal đề cập đến vấn đề tính bền vững, chăn nuôi nhân đạo, tôn trọng môi trường, an toàn vệ sinh và giá trị trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Halal là quy trình tuân thủ “từ nông trại đến bàn ăn” ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng sản xuất: cung ứng đầu vào, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, kho bãi, vận chuyển, hậu cần, phân phối, tiêu dùng...

Về tiềm năng cơ hội thị trường, TS Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi nhận xét: Halal là một thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác, thâm nhập và mở rộng hơn nữa trong bối cảnh nhu cầu phải đa dạng hóa thị trường.

Đánh giá cụ thể về tiềm năng Halal, ông Trung cho hay quy mô thị trường sản phẩm Halal là rất lớn, không chỉ khu vực Trung Đông mà cả Nam Á, Tây Á, Châu Phi, hay một số nước khu vực Đông Nam Á đều có tiêu chuẩn về Halal.

Tuy nhiên để thâm nhập vào thị trường này, các sản phẩm của Việt Nam từ thực phẩm, đồ uống, thời trang may mặc phải sản xuất theo quy trình, đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn của halal, và phải được chứng nhận đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn Halal.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng cơ hội, khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường Halal này. Thị trường này còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp, không có nhiều người Việt Nam và doanh nghiệp có hiểu biết về Halal.

Trong lĩnh vực du lịch, được đánh giá là rất tiềm năng nhưng để thu hút khách người Hồi giáo, ở khu vực Trung Đông, các dịch vụ ở Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí của người dân và các quốc gia này.

Tiềm năng thị trường Halal rất rộng lớn với dân số dự báo đạt 2,18 tỷ người vào năm 2030 chiếm khoảng 30% dân số thế giới. Quy quy mô thị trường dự báo sẽ đạt mức tối đa 3,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025, và tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 6,2%.

TS. Trung cho biết Chính phủ đã có Đề án “tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.

Với một khu vực rộng lớn hơn 80 quốc gia, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khẳng định dư địa để tiến hành các hoạt động nghiên cứu còn rất lớn, trong đó bao gồm cả các vấn đề văn hóa, lịch sử, giáo dục, chính trị, kinh tế các nước trong khu vực.

Theo: Vneconomy