SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Phục hồi và “bình thường hoá” sản xuất F&B trong và hậu COVID-19

Đại dịch COVID-19 không chỉ thay đổi hành vi tiêu dùng, nhu cầu thị trường, mà còn ảnh hưởng nặng nề tới các ngành khác nhau, tiêu biểu là ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống (F&B).

 

 Phục hồi và “bình thường hoá” sản xuất F&B trong và hậu COVID-19

Để có thể hồi phục nhanh chóng trong tương lai, các doanh nghiệp ngành F&B cần chuẩn bị những gì?

Thách thức hiện tại của doanh nghiệp sản xuất F&B

Diễn biến khó lường của dịch bệnh suốt hơn hai năm qua buộc rất nhiều kế hoạch sản xuất rơi vào đình trệ, kéo theo hệ luỵ không nhỏ về mặt quy trình, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng của toàn bộ doanh nghiệp.

Khảo sát gần đây nhất của Vietnam Report vào tháng 8/2020 cho thấy, có đến 85% doanh nghiệp hiện gặp khó khăn liên quan đến việc phân phối, logistics do COVID-19.

Doanh nghiệp F&B Việt còn phải đối mặt với thách thức lớn đến từ nhu cầu của thị trường. Theo khảo sát Chỉ số người tiêu dùng tương lai của Ernst & Young vào giữa năm 2020, 89% người tiêu dùng có sự thay đổi trong cách thức mua sắm và 76% trong cách lựa chọn sản phẩm & dịch vụ, cho thấy xu hướng thay đổi toàn diện về tiêu dùng toàn cầu.

Phục hồi và “bình thường hoá” sản xuất F&B trong và hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp sản xuất F&B cần tăng tốc ứng dụng tự động hoá để nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ

Theo báo cáo của Euromonitor, doanh thu toàn ngành năm 2020 rơi vào khoảng hơn 700.000 tỷ. Theo dự đoán, doanh thu ngành F&B ở Việt Nam trong 2 năm tới có thể đạt quy mô gấp đôi. Ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám Đốc Schneider Electric Việt Nam & Campuchia cho hay: "Đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu khách hàng thay đổi đột biến vừa tạo thách thức vừa là cơ hội để các doanh nghiệp F&B đổi mới toàn diện. Tiềm năng thị trường F&B tại Việt Nam vẫn còn rộng mở. Để nhanh chóng phục hồi sau đại dịch và nâng cao sức cạnh tranh, các doanh nghiệp cần ứng dụng các giải pháp công nghệ kỹ thuật số và tự động hóa".

Giải pháp tối ưu để phục hồi sản xuất và bắt kịp nhu cầu khách hàng

Với kinh nghiệm nhiều năm hợp tác và làm việc với các doanh nghiệp F&B lớn trên toàn cầu, Ông Lâm chia sẻ, để đạt được hiệu suất phục hồi và tăng trưởng tối ưu như kỳ vọng, cần lưu ý 4 nguyên tắc cốt lõi:

Kết nối nhân viên bằng dữ liệu và phân tích tương tác

Trong bối cảnh làm việc tại nhà, công nghệ giúp kết nối đội ngũ nhân sự trở thành tiêu chuẩn mới của ngành sản xuất F&B, tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất trực tiếp và nhóm làm việc từ xa sử dụng thông tin để phân tích và tối ưu hóa theo thời gian thực.

Chẳng hạn, giải pháp công nghệ EcoStruxure từ Schneider Electric cho phép số hóa từng bước trong chuỗi sản xuất, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững hơn.

Phục hồi và “bình thường hoá” sản xuất F&B trong và hậu COVID-19 - Ảnh 2.

Mô phỏng để đổi mới sáng tạo

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đòi hỏi khả năng lập kế hoạch từ xa hiệu quả. Đó cũng là lúc công nghệ mô phỏng kỹ thuật số trở nên phổ biến hơn, cho phép nhân viên nhanh chóng tạo lập mô hình, kết hợp cùng dữ liệu lớn (Big Data) và phân tích để đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp trong từng hoạt động.

Thúc đẩy hiệu quả với công nghệ bản sao số hỗ trợ AI (trí thông minh nhân tạo)

Đại dịch đã thúc đẩy việc tối ưu hóa quy trình sản xuất chuyển sang cấp độ cao hơn là tăng cường dữ liệu thời gian thực và điều chỉnh các bản sao số (Digital Twins), cho phép doanh nghiệp vận hành an toàn với số lượng nhân sự tại chỗ ít hơn và hỗ trợ quá trình ra quyết định diễn ra nhanh chóng hơn.

Nhiều doanh nghiệp cần xem công nghệ bản sao số hỗ trợ AI trong các giải pháp tự động hóa là mũi nhọn trong chiến lược phát triển. Ông Lâm nhấn mạnh thêm: "AI chính là "tương lai" của ngành công nghiệp sản xuất nói chung và ngành F&B nói riêng. Dần dần, khi quen thuộc với các giải pháp tự động cùng công nghệ bản sao số, các doanh nghiệp sẽ bước sang kỷ nguyên mới: vận hành hiệu quả, tiết kiệm hơn, ít phụ thuộc vào nhân lực từ đó phát triển bền vững hơn trong tương lai."

Ứng dụng điện toán đám mây ở mọi nơi

Trên hết, đại dịch đã đẩy nhanh sự chuyển dịch của các doanh nghiệp sang công nghệ điện toán đám mây. Quyền truy cập vào dữ liệu từ xa là chìa khóa để hợp nhất dữ liệu và các nhóm khác nhau để đưa ra các quyết định hiệu quả. Thông qua việc tối ưu hóa toàn bộ chuỗi giá trị, nhân sự có thể đẩy nhanh quá trình đưa quyết định, nâng cao hiệu suất làm việc.

Có thể thấy, những khó khăn không lường trước vừa mang tới thách thức, vừa tạo đòn bẩy để các doanh nghiệp sản xuất F&B Việt Nam đổi mới sáng tạo và hoạt động hiệu quả hơn. Sớm nắm bắt, ứng dụng tự động hoá vào quá trình sản xuất sẽ giúp các doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng, tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho tương lai.

Theo Nhịp sống kinh tế