SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Thúc đẩy giao thương nông sản và thực phẩm giữa Việt Nam và Phần Lan

Chuyến đến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Nông lâm Phần Lan và đoàn doanh nghiệp là dịp để hai bên thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, thương mại, đầu tư.

Chuyến đến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Antti Kurvinen và đoàn doanh nghiệp Phần Lan là dịp để hai bên thúc đẩy hợp tác nông nghiệp sau hơn 2 năm Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.

Sáng 10/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông lâm Phần Lan Antti Kurvinen tại Hà Nội.

Việt Nam luôn đánh giá Phần Lan là đối tác quan trọng về khoa học công nghệ và hợp tác phát triển. Bộ NN-PTNT đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả của Phần Lan trong thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực lâm nghiệp, nước sạch và vệ sinh môi trường.

Tại cuộc hội đàm cấp cao lần đầu tiên giữa hai bên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Antti Kurvinen đã trao đổi những nội dung cụ thể hai bên quan tâm và ký Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông sản - thực phẩm và lâm nghiệp để thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương xứng tầm quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Bộ trưởng Bộ Nông lâm Phần Lan Antti Kurvinen cho biết, thành phần đoàn công tác của ngài Bộ trưởng và đoàn doanh nghiệp Phần Lan lần này bao gồm rất nhiều doanh nghiệp có chuyên môn về ba ngành thuộc sự quản lý của Bộ.

"Các công ty thực phẩm của chúng tôi đang mong mỏi được bắt đầu các hoạt động trao đổi, giao thương các mặt hàng nông sản Phần Lan với Việt Nam. Chúng tôi cũng có các chuyên gia về lĩnh vực nước và sử dụng tài nguyên rừng. Tôi mong rằng chúng ta sẽ có thêm cơ hội để bàn luận về cả ba lĩnh vực cũng như một số điểm mấu chốt của hai bên".

"Nông lâm thủy sản là lĩnh vực mà hai bên có thể bổ sung cho nhau, tận dụng được thế mạnh của nhau", Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: Hoàng Giang.

 

 

Cả hai nước đều có lợi thế về nông lâm thủy sản. Việt Nam có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, có mức tăng trưởng kinh tế ổn định 6-7%/năm. Việt Nam cũng là cửa ngõ cho thị trường Đông Nam Á với 650 triệu dân, với nền kinh tế phát triển rất năng động.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN-PTNT sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Phần Lan để tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo thông lệ quốc tế nhằm thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản, vì lợi ích của người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng của 2 bên. Nông lâm thủy sản là lĩnh vực mà hai bên có thể bổ sung cho nhau, tận dụng được thế mạnh của nhau.

Trong bối cảnh phát triển nhằm triển khai thông điệp của Thủ tướng Việt Nam tại COP26 và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phía Việt Nam mong muốn các quốc gia, đặc biệt các quốc gia trong khối EU, hỗ trợ và cung cấp tư vấn kĩ thuật để Việt Nam có đủ nguồn lực trong quá trình chuyển đổi.

Bộ trưởng Antti Kurvinen cho biết bằng việc tăng cường hợp tác chúng ta có thể tìm giải pháp cho những vấn đề đang còn tồn tại. Ảnh: Hoàng Giang.

 

 

Liên quan đến chương trình hợp tác, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn Phần Lan tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp; xem xét có cơ chế ưu đãi đặc thù nhằm tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho Việt Nam để tăng cường sự duy trì và phát triển Hệ thống quản lý thông tin ngành Lâm nghiệp (FORMIS); tăng cường năng lực trong quản trị rừng, trong đó có thực thi công ước CITES.

Đồng thời, đề nghị Phần Lan phối hợp với EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để triển khai Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), thúc đẩy xuất khẩu gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT Việt Nam cũng đề nghị phía Phần Lan tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thủy sản; xử lý chất thải rắn (sinh hoạt, chăn nuôi), nước thải và cấp nước nông thôn; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.

Hai bên nên cùng tạo cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước, nhất là doanh nghiệp lâm nghiệp, thủy sản, đổi mới sáng tạo, chế biến xuất nhập khẩu, có nhiều cơ hội để tiếp cận, tìm hiểu và hợp tác kinh doanh và đầu tư. Hai bên cũng cần xem xét tạo cơ chế thuận lợi để các Hiệp hội ngành hàng, tổ nhóm nông dân trao đổi thông tin, hợp tác trong đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ, thương mại và đầu tư.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam