SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Chiến lược thương hiệu – Con đường hướng tới tương lai của ngành thực phẩm Việt Nam

Ngày 21/4/2017, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã họp Ban tổ chức Chương trình Xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam.

Tham dự cuộc họp có các thành viên trong Ban tổ chức, Ban thư ký chương trình, các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước, đại diện các đơn vị và doanh nghiệp liên quan.

Chương trình xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam là một bộ phận của Chương trình Thương hiệu quốc gia, theo định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu và khả năng cạnh tranh, trong đó tập trung đề cao các giá trị liên quan trực tiếp tới ngành thực phẩm Việt Nam.

Chương trình do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) và Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU-MUTRAP) thực hiện.

Tại cuộc họp, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đã báo cáo tiến độ của chương trình. Nhóm chuyên gia quốc tế trình bày những chiến lược định vị thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam, phương án cấu trúc thương hiệu, phương án thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu, những mô hình quản trị thương hiệu…

Theo các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia được ưu đãi về điều kiện tự nhiên. Nhờ có môi trường và khí hậu thuận lợi, Việt Nam có khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm nông nghiệp quanh năm trên cả nước. Với các sản phẩm nông nghiệp phong phú cùng với khả năng chế biến thực phẩm đa dạng, linh hoạt, Việt Nam có thể cung cấp các sản phẩm thực phẩm đáp ứng được đa dạng nhu cầu của nhà nhập khẩu về cả số lượng và chất lượng.

Từ những đặc điểm trên, các chuyên gia đề xuất khẩu hiệu của ngành thực phẩm Việt Nam sẽ là “Rổ thực phẩm” cho thị trường thế giới.

Các chuyên gia cho rằng, con đường phát triển cho tương lai dài hạn, bền vững của thực phẩm Việt Nam là cần xây dựng một thương hiệu chung với nhiều thương hiệu biến thể theo các ngành hàng. Cụ thể, thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam được gọi là “Thực phẩm Việt Nam”. Khi ứng dụng tên này vào cấu trúc thương hiệu của từng phân ngành nhỏ sẽ thay đổi cho phù hợp với cấu trúc của từng phân ngành đó. Ví dụ, khi tham gia vào triển lãm thực phẩm quốc tế, thương hiệu của thực phẩm Việt Nam là “Thực phẩm Việt Nam”, khi tham gia vào triển lãm thủy sản, thương hiệu này được biến thể là “Thủy sản Việt Nam”… Các chuyên gia cũng đề xuất thực hiện thí điểm việc ứng dụng hệ thống nhận diện trong các chương trình xúc tiến thương mại thực phẩm ở cấp độ quốc gia và cấp độ ngành hàng.

Cũng theo các chuyên gia, cần sử dụng phương pháp ẩn dụ truyển thông, nghĩa là thể hiện nhận diện thương hiệu bằng một câu chuyện, mỗi phân ngành gắn với một câu chuyện. Ngoài ra, có thể tìm ra những hình ảnh thể hiện thực phẩm đó, ví dụ như bát ăn cơm, lưới bắt cá...

Tại cuộc họp, các chuyên gia đã đưa ra 5 đề xuất về nhận diện hình ảnh thương hiệu chung cho toàn ngành thực phẩm Việt Nam kèm theo các thương hiệu phân ngành để cuộc họp bình xét. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng tích cực, sâu sắc cho những đề xuất này.

Tham dự và nêu ý kiến tại cuộc họp, bà Nguyễn Mai Oanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đánh giá cao cách tổ chức các nhóm chuyên gia trong và ngoài nước cùng chung tay xây dựng thương hiệu ngành rất chuyên nghiệp, bài bản của Cục Xúc tiến thương mại.

Kết luận cuộc họp, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trên cơ sở kết quả cuộc họp, các chuyên gia sẽ hoàn thiện báo cáo về chiến lược xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam. Sau đó, Ban tổ chức dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện các buổi tọa đàm lấy ý kiến rộng rãi từ các bên liên quan. Kết quả của báo cáo sẽ được chuyển thành đề án và trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cục trưởng Bùi Huy Sơn khẳng định quyết tâm lớn sẽ thực hiện tới cùng nhiệm vụ xây dựng thương hiệu chung cho ngành thực phẩm Việt Nam.

Nhân cuộc họp này, với sự tham dự của nhiều đại biểu cấp lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các Hiệp hội ngành hàng, Trung tâm Xúc tiến thương mại..., các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, Ban tổ chức Triển lãm quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam lần thứ 3 (Vietnam Foodexpo 2017) đã gửi tài liệu giới thiệu những thông tin mới nhất về Triển lãm. Vietnam Foodexpo được đánh giá là một trong những sự kiện góp phần quảng bá mạnh mẽ về thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ của ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam tới đông đảo các đối tác tiềm năng, triển vọng ở cả thị trường trong nước và quốc tế.