SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Giới thiệu Triển lãm Vietnam Foodexpo 2017 tới các nhà nhập khẩu Ô-man

Việt Nam và Ô-man có mối quan hệ hữu nghị từ lâu đời, tuy nhiên đến nay, trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn còn rất thấp. Để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp hai nước, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Đại sứ quán Ô-man tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Ô-man tổ chức Chương trình kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Ô-man vào ngày 21/4/2017, tại Hà Nội.

Tham gia giao thương có hơn 70 doanh nghiệp của hai nước Việt Nam và Ô-man. Trong đó có 23 doanh nghiệp Ô-man là những nhà nhập khẩu các thiết bị điện tử, điện lạnh, dây cáp điện, phụ tùng xe hơi, lốp xe, dầu máy, ống nhựa, dây cáp điện, vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép, thiết bị chiếu sáng, thiết bị vệ sinh, thiết bị nhà bếp, nội thất phòng ngủ, phòng ăn, thủy hải sản, trà, cà phê, lúa gạo, hạt điều, thực phẩm, gia súc…

Phát biểu tại buổi giao thương, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, những năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Ô-man đã có những bước phát triển tích cực và đa dạng trên mọi lĩnh vực. Trong những năm gần đây, hai nước đều rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ nhiều mặt nhằm tận dụng những tiềm năng sẵn có của mỗi nước.

Đến nay, Việt Nam và Ô-man đã ký kết một số hiệp định quan trọng, tạo nền tảng pháp lý cho quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển như: Hiệp định Thương mại (05/2004), Hiệp định chống đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập (4/2008), Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (01/2011).

Trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ô-man còn khiêm tốn, mới đạt 74 triệu USD trong năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ô-man đạt 29 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ô-man đạt 45 triệu USD. Chương trình kết nối doanh nghiệp hai nước đã tạo điều kiện cho hai bên tiếp xúc, trao đổi, tìm kiếm đối tác, qua đó xây dựng các mối quan hệ hợp tác kinh doanh, tăng cường phát triển quan hệ thương mại song phương.

Tham gia giao thương, ông Trịnh Xuân Dương, Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết, nhiều sản phẩm của công ty như cán chổi, gỗ dán, cọc gỗ, gỗ cốp pha xây dựng, cùng các mặt hàng nông sản như dừa, cà phê… đã xuất khẩu sang gần 30 thị trường, trong đó một số thị trường là láng giềng của Ô-man. Hiện doanh nghiệp này đang muốn mở rộng thị trường sang Ô-man cho 2 mặt hàng là gỗ dán xây dựng và cà phê. Việc tham gia Chương trình giao thương đã giúp doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi với các nhà nhập khẩu Ô-man, tạo tiền đề để hai bên làm việc, hướng tới việc hợp tác.

Về phía các doanh nghiệp Ô-man, ông Said Yousuf  Ahmed Al Mujaini, Giám đốc Công ty Al-Nilj Projects cho biết, doanh nghiệp của ông tham gia đoàn lần này nhằm tìm hiểu hàng hóa của Việt Nam để nhập khẩu. Ông quan tâm đến các mặt hàng như gạo, thực phẩm, gỗ… Đồng thời, ông cũng muốn tìm hiểu thị trường du lịch của Việt Nam với mong muốn có thể liên kết được với các công ty du lịch Việt Nam để tổ chức các chương trình đưa người Ô-man sang du lịch Việt Nam. Theo ông Said Yousuf  Ahmed Al Mujaini, buổi giao thương diễn ra chuyên nghiệp và chất lượng, giúp các doanh nghiệp hai nước dễ dàng trao đổi và tìm hiểu nhu cầu của nhau.

Theo ông Hamood Salim Mohamed Al Sadi, Trưởng chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp tại phía Nam tỉnh Albaina, ngoài sự kiện giao thương này, trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 27 (Vietnam Expo 2017), các doanh nghiệp Ô-man cũng đã đi thăm khu công nghiệp tại tỉnh Hà Nam. Qua các sự kiện như vậy, ông Hamood Salim Mohamed Al Sadi nhận thấy các doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để hợp tác với các doanh nghiệp Ô-man.

Nhân sự kiện giao thương, Ban tổ chức Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2017 (Vietnam Foodexpo 2017) đã giới thiệu và mời các nhà nhập khẩu Ô-man tới tham quan, giao dịch tại triển lãm vào cuối tháng 11 năm nay tại Tp. Hồ Chí Minh.