Nhằm “đi trước một bước”, ngay tại Triển lãm Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2016 (Vietnam Foodexpo 2016) tổ chức từ ngày 16-19/11/2016 tại Tp. Hồ Chí Minh, 32 doanh nghiệp Italia đã đến giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương, tìm đối tác… Ngoài 11 doanh nghiệp về rượu vang, có nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm như mỳ, nấm, pho mai, cà phê, thịt muối và các doanh nghiệp về máy móc công nghệ ngành thực phẩm.
1 gian hàng của Italia tại Vietnam Foodexpo 2016
Bà Carlotta Colli, Tổng lãnh sự, Tổng lãnh sự quán Italia tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh EVFTA sắp có hiệu lực, các doanh nghiệp Italia rất quan tâm đến việc đầu tư, mở rộng thị trường trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống tại Việt Nam.
“Là quốc gia trong tốp đầu thế giới lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, chúng tôi rất quan tâm đến thị trường Việt Nam”, bà Carlotta Colli nói.
Theo bà Carlotta Colli, từ năm 2013, Chính phủ hai nước đã ký kết hợp tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực thực phẩm đồ uống là nội dung hợp tác quan trọng. Lãnh sự quán và Thương vụ Italia tại Tp Hồ Chí Minh (ICE) đang tổng hợp, cung cấp những thông tin chính xác, cụ thể để các doanh nghiệp có cơ sở quyết định đầu tư, mở rộng thị trường tại Việt Nam.
Ông Paolo Lemma, Tham tán ICE đánh giá, thị trường thịt và các sản phẩm từ thịt và sữa của Việt Nam rất tiềm năng. Việt Nam có thị trường tiêu thụ lớn và người tiêu dùng đang trong quá trình thay đổi khẩu vị, nên doanh nghiệp Italia đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. “Xuất khẩu sản phẩm sữa và pho mai của Italia sang Việt Nam có tăng trưởng, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng có lẽ vì khẩu vị khác nhau, nhưng hy vọng một thời gian nữa, xuất khẩu mặt hàng này sẽ tăng”, ông Paolo Lemma nhận định.
Ông Paolo Lemma, Tham tán ICE
Không chỉ Italia, các quốc gia Châu Âu khác cũng đang có những bước đi khá khẩn trương, mạnh mẽ để không là “kẻ đến sau”. Tháng 1/2016, sau hiệp định giữa hai nước cho phép xuất khẩu táo Ba Lan vào thị trường của Việt Nam, container táo Ba Lan đầu tiên đã được nhập vào TP.HCM. Sau 9 tháng, khoảng 3.000-5.000 tấn táo Ba Lan đã vào Việt Nam. Đây chỉ mới là bước ban đầu của các doanh nghiệp Ba Lan nghiên cứu thị trường và cải tiến cách bán hàng. Táo Ba Lan được kỳ vọng sẽ chiếm 10% thị trường táo Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Thống kê Ba Lan, trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng nông sản Ba Lan vào Việt Nam đạt 77,8 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu xu hướng này tiếp tục tăng, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Ba Lan vào Việt Nam sẽ đạt 130 triệu USD vào cuối năm nay, chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm của châu Âu.
Ông Mariusz Boguszewski, Tham tán kinh tế Đại sứ quán Ba Lan nhận định, sự tăng trưởng trên là do các doanh nghiệp Ba Lan đón lõng cơ hội từ EVFTA, được xem là một bước tiến mới đối với các doanh nghiệp Châu Âu. Hiệp định bao gồm nhiều giải pháp thuận lợi hóa thương mại và đầu tư song phương, đặc biệt là thủ tục hải quan, hành chính và vấn đề kiểm dịch động thực vật.
“Hiệp định sẽ mang lại lợi ích cho các công ty và người tiêu dùng Việt Nam vì nhiều thực phẩm an toàn, dinh dưỡng với chất lượng cao sẽ có mặt trên thị trường. Hiệp định cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập thị trường EU,” ông Mariusz Boguszewski nhìn nhận.
Ông Mariusz Boguszewski cho hay, Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng và là đối tác thương mại lớn nhất của Ba Lan trong khối ASEAN. Vị thế của Việt Nam trong quan hệ thương mại với Ba Lan ngày càng được củng cố, đặc biệt là gần đây Chính phủ Ba Lan đã chọn Việt Nam là một trong 5 thị trường tiềm năng trên thế giới. Chính phủ Ba Lan khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp nước này gia nhập thị trường Việt Nam, bước đầu tiền là xin giấy phép. “Chính phủ Ba Lan sẽ triển khai hàng loạt chương trình xúc tiến tại Việt Nam trong thời gian tới”, ông Mariusz Boguszewski cho biết.
Ba Lan cũng là 1 trong 4 quốc gia Châu Âu đã có các doanh nghiệp và sản phẩm thực phẩm hiện diện tại Vietnam Foodexpo 2016 nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại và kết nối các cơ hội đầu tư trong ngành thực phẩm.
Thêm một thông tin cho thấy nỗ lực của các quốc gia Châu Âu nhằm tiến vào thị trường Việt Nam, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, đồ uống. Đó là, đầu tháng 10 vừa qua, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cùng Tổ chức Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) và Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU-Mutrap) đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thực hiện Chương trình Xây dựng chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam. Việc hợp tác này được đánh giá sẽ tạo đà cho các hoạt động của Chương trình trong các giai đoạn tiếp theo.