SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Chương trình Xây dựng Chiến lược Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam

Ngày 20/10/2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký công văn số 8981/VPCP-KTTH giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan, hiệp hội ngành hàng có liên quan tập trung triển khai Chương trình xây dựng Chiến lược Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam.

Chương trình xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam là một cấu phần của Chương trình Thương hiệu quốc gia, theo định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu và khả năng cạnh tranh, trong đó tập trung đề cao các giá trị liên quan trực tiếp tới ngành thực phẩm Việt Nam.

Mục đích của Chương trình nhằm xây dựng, quảng bá hiệu quả một hình ảnh chung của ngành thực phẩm Việt Nam, tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế về giá trị của thực phẩm Việt Nam, qua đó góp phần thúc  đẩy sự tăng trưởng của ngành thực phẩm, tăng cường công tác xúc tiến thương mại & đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới. 

Việc khởi động Chương trình được tiến hành từ năm 2014, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng (lương thực, thủy sản, rau quả, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong, dừa) và các tổ chức xúc tiến thương mại. Chương trình được chia làm 4 giai đoạn. Đến nay, với sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức và hiệp hội liên quan, Bộ Công Thương đã hoàn thành Giai đoạn 1 (Xác định mục tiêu và Phương pháp) và Giai đoạn 2 (Nghiên cứu & Phân tích).  Hiên nay, Giai đoạn 3 (Xây dựng chiến lược) đang trong quá trình triển khai, bắt đầu từ tháng 3/2016 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3/2017. Giai đoạn 4 - Thực hiện chiến lược (2017-2020) sẽ được triển khai dưới hình thức một chiến dịch tư vấn, truyền thông, quảng bá, tiếp thị xây dựng hình ảnh ngành hàng thực phẩm quốc gia.

Ngày 4/10 vừa qua, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE)- Bộ Công Thương, Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) và Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP)  đã ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thực hiện Chương trình xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam. Biên bản ghi nhớ sẽ giúp tạo đà cho các hoạt động của Chương trình trong các giai đoạn tiếp theo.

Nông sản, thực phẩm là một trong những ngành có tiềm năng to lớn của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, công tác xúc tiến thương mại ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam đang được các hiệp hội, tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp thực hiện tích cực tại nhiều thị trường khác nhau trên thế giới với các mặt hàng như thủy sản, rau quả, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong… Tuy nhiên, ở tầm quốc gia, những cố gắng đơn lẻ của từng mặt hàng sẽ không tạo nên sức mạnh chung và việc thiếu vắng một Chiến lược tổng thể về xây dựng và phát triển thương hiệu của ngành đang làm khách hàng và người tiêu dùng nước ngoài chưa nhận thức được đầy đủ và đánh giá đúng mức về chất lượng, giá trị hàng hóa và năng lực cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam cần chung sức để nông sản, thực phẩm Việt Nam tiến xa hơn, mạnh hơn ra thế giới. Hy vọng, Chương trình xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam sẽ là một trong những giải pháp chuyên nghiệp và hiệu quả, góp phần tăng cường công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ  xuất khẩu cho ngành thực phẩm đầy tiềm năng của Việt Nam. 

Triển lãm Vietnam Foodexpo kỳ tổ chức năm 2015

Ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, “Thế yếu của chúng ta là sản phẩm xuất ra đa phần chỉ mới là nguyên liệu chứ chưa bế biến tinh, chưa tạo nhiều giá trị gia tăng. Trước sự "du nhập" của thực phẩm ngoại, đặc biệt là thực phẩm Châu Âu tại Việt Nam, Bộ Công Thương cũng đã có chương trình xây dựng chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam để tăng vị thế trên thị trường xuất khẩu thế giới”.

“Đến giữa 2017, chúng tôi sẽ đưa ra được chiến lược thương hiệu cho ngành thực phẩm”, ông Tạ Hoàng Linh chia sẻ và cho rằng Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2016 (Vietnam Foodexpo 2016) là một trong những giải pháp để giúp quảng bá thương hiệu và kết nối ngành thực phẩm Việt Nam với thế giới. Sự kiện năm nay dự kiến có 550 gian hàng của 400 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh/thành trên cả nước và 15 quốc gia. Trong đó, Italia được mời là quốc gia danh dự.