SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Chuột bọ, hạn hán và thiếu lao động đang bóp nghẹt nguồn cung ứng dầu ăn trên toàn cầu

Chỉ số dầu ăn toàn cầu của FAO đã tăng 91% kể từ tháng 6 năm ngoái và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa khi các nền kinh tế mở cửa trở lại thúc đẩy tiêu thụ dầu ăn cũng như nhiên liệu tăng lên cùng với mùa lễ hội sắp tới, và sản lượng hạt có dầu năm nay sụt giảm.

Tại một nông trường cọ dầu rộng lớn ở bang Perak của Malaysia, các loại cây như dưa hấu mọc chi chít giữa các cây cọ, trong khi những con bò gặm cỏ giữa những cây cối um tùm xung quanh cây cọ hoặc các khu nhà để trống đã từ lâu.

Cuộc khủng hoảng lao động do đại dịch Covid-19 gây ra đã buộc các nhà quản lý của khu đất rộng 2.000 ha ở Slim River phải tìm tòi mọi cách để duy trì các nông trường của họ, ngay cả khi giá loại dầu ăn được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới này đang ở mức cao kỷ lục.

Chuột bọ, hạn hán và thiếu lao động đang bóp nghẹt nguồn cung ứng dầu ăn trên toàn cầu - Ảnh 1.
Giá dầu đậu tương và dầu cọ xuất khẩu

Tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng đến nỗi ông Ravi, một người quản lý nông trường nói rằng: "Việc tự nhổ răng của chính mình lúc này còn dễ dàng hơn là tìm được những người công nhân mới", và "Tôi không thể tìm được công nhân để duy trì sản xuất (ở các nông trường cọ)".

Malaysia, nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, đang phải đối mặt với một "cơn bão sản xuất hoàn hảo", có thể sẽ kéo tụt mức dự trữ trên toàn cầu xuống thấp nhất trong vòng 5 năm.

Chuột bọ, hạn hán và thiếu lao động đang bóp nghẹt nguồn cung ứng dầu ăn trên toàn cầu - Ảnh 2.
Dự trữ dầu ăn thế giới thấp nhất nhiều năm

Malaysia là mô hình thu nhỏ của những khó khăn mà các nhà sản xuất dầu ăn khác nhau trên nhiều châu lục đang phải đối mặt, từ người trồng cải dầu ở Canada đến những người trồng hướng dương Ukraina, khi họ phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ trong bối cảnh khó khăn trăm bề.

Giá lương thực trên toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm trong năm nay - chỉ số giá của Tổ chức Nông lương (FAO) tăng hơn một phần ba kể từ mùa hè năm ngoái - phần lớn là do sự tăng giá của dầu thực vật, một thực phẩm quan trọng đối với cả việc nấu ăn cũng như cung cấp chất dinh dưỡng chủ yếu cho con người hàng ngày.

Chỉ số dầu ăn toàn cầu của FAO đã tăng 91% kể từ tháng 6 năm ngoái và dự kiến ​​sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau khi các chính sách phong tỏa/giãn cách xã hội chống Covid-19 được xóa bỏ, đẩy tiêu thụ dầu ăn cũng như nhiên liệu tăng lên (dầu thực vật còn được sử dụng làm nhiên liệu sinh học).

Nhưng các nhà sản xuất dầu thực vật lại đang phải đối mặt với một loạt trở ngại, bao gồm tình trạng thiếu lao động, thời tiết nóng lên, sâu bọ phá hoại… khiến cho dự trữ các loại dầu ăn được tiêu thụ nhiều nhất thế giới – dầu cọ, dầu đậu tương, dầu hạt cải và dầu hướng dương – giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ.

Malaysia thiếu nhân lực nghiêm trọng

Tại Malaysia, quốc gia chiếm khoảng 33% lượng dầu cọ xuất khẩu trên toàn cầu, năng suất trung bình của các chùm quả cọ trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 6 đã giảm xuống còn 7,15 tấn/ha so với 7,85 một năm trước. Dữ liệu của Hội đồng Dầu cọ Malaysia cho thấy sản lượng dầu cọ thô trung bình của nước này đã giảm xuống 1,41 tấn/ha, từ mức 1,56 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều đồn điền đang tổ chức thu hoạch cọ với số lượng nhân lực chỉ bằng 2/3 hoặc ít hơn so với nhu cầu lao động cần thiết, sau khi các quy định hạn chế nghiêm ngặt của Chính phủ được đưa ra để chống lại sự lây lan của Covid-19 đã cắt đứt nguồn cung cấp lao động nhập cư, thường đến từ Indonesia và Nam Á.

Gần 10 chủ nông trường khi được Reuters hỏi đều cho biết việc thiếu nhân công đã buộc họ phải kéo dài thời gian thu hoạch từ 14 ngày lên tới 40 ngày, một sự thay đổi làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng trái cây và có nguy cơ khiến nhiều quả trong chùm cọ bị rụng mất.

"Vấn đề đặc biệt tồi tệ ở Sarawak. Một số công ty đang chứng kiến ​​sản lượng giảm 50% vì thiếu người thu hoạch", một quản lý nông trường cho biết.

Một người quản lý nông trường khác có tên Chew cho biết ông buộc phải tăng lương thêm 10% để giữ chân công nhân. Khó khăn chưa dừng lại ở đó. Thiếu nhân lực để duy trì nông trường cũng đồng nghĩa với việc nhiều loài sinh vật phá hoại hơn, bao gồm cả chuột, bướm đêm và sâu bọ. Ít nhân lực hơn để duy trì đồn điền cũng đồng nghĩa với việc nhiều loài gây hại hơn, bao gồm cả chuột, bướm đêm và sâu bọ.

Andrew Cheng Mui Fah, một chủ nông trại ở ở Sarawak, cho biết: "Tình trạng hiện tại đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho chuột làm tổ, kiếm ăn và sinh sản mà những loài săn mồi tự nhiên không thể bắt kịp".

Ngành cọ Indonesia bị cản trở bởi những quy định phòng, chống dịch

Indonesia - nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới - không gặp phải vấn đề thiếu lao động như nước láng giềng Malaysia, và sản lượng năm nay dự kiến sẽ tăng nhờ diện tích trồng cọ tăng.

Tuy nhiên, nước này lại gặp khó khăn khác. Hoạt động tại các nhà máy sản xuất dầu cọ, nơi quả cọ được chế biến thành dầu cọ thô, đã bị ảnh hưởng bởi các quy định hạn chế chống Covid-19. Tại Hội nghị thường niên của Hội đồng Xuất khẩu đậu tương Mỹ diễn ra vào ngày 25/8, ông Dorab Mistry, giám đốc công nghiên cứu về hàng tiêu dùng của Ấn Độ, Godrej International, cho biết: "Việc đóng cửa các nhà máy sản xuất dầu cọ ở cả chiều dài và chiều rộng của Malaysia (và) Indonesia (ý nói đến cả số lượng nông trường cũng như quy mô của mỗi nông trường) là một yếu tố rất lớn cản trở sản xuất".

Chuột bọ, hạn hán và thiếu lao động đang bóp nghẹt nguồn cung ứng dầu ăn trên toàn cầu - Ảnh 3.
Xuất khẩu dầu cọ thế giới chậm lại

Tổng sản lượng dầu cọ năm 2021 của Indonesia và Malaysia – 2 nước chiếm khoảng 90% sản lượng dầu cọ thế giới, ước tính đạt 66,2 triệu tấn, theo ước tính của Refinitiv Commodities Research công bố vào ngày 4/8. Con số này bằng với năm 2020, nhưng các nhà phân tích cho biết có khả năng sẽ phải điều chỉnh giảm nếu tình trạng thiếu lao động và các yếu tố gây hại khác ngày càng trầm trọng hơn.

Khô hạn ở Bắc Mỹ

Trong khi đó, nông dân ở miền tây Canada mùa xuân năm nay đã phải trồng cải dầu trong tình trạng đất đai khô cằn nhất trong vòng một thế kỷ, đẩy giá dầu cải kỳ hạn tương lai tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào đầu tháng 5/2021.

Một đợt nắng nóng hồi tháng 7 đã thiêu rụi cây trồng trên khắp các cánh đồng ở Prairies ở Canada, khiến Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã phải điều chỉnh giảm ước tính về sản lượng hạt cải dầu niên vụ này giảm 4,2 triệu tấn xuống còn 16 triệu tấn, thấp nhất kể từ vụ 2012/13.

Chuột bọ, hạn hán và thiếu lao động đang bóp nghẹt nguồn cung ứng dầu ăn trên toàn cầu - Ảnh 4.
Cung hạt cải của Canada giảm mạnh

Vụ mùa đậu tương của Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, do đó trong báo cáo tháng 8 USDA cũng hạ dự báo sản lượng của mình, giảm 1,8 triệu tấn so với dự báo trước đó, dẫn tới dự trữ dầu đậu tương của Mỹ dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ.

May mắn đối với người mua dầu thực vật là, trong số những nước cung cấp hạt có dầu và dầu thực vật lớn trên thế giới, vụ mùa đậu tương của Brazil niên vụ 2020/21 dự kiến sẽ đạt kỷ lục 144,06 triệu tấn nhờ diện tích vụ này tăng 4%, thông tin từ Công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp Datagro cho biết.

Ngoài ra, Ukraine, nhà sản xuất hạt hướng dương hàng đầu thế giới, dự kiến cũng sẽ nâng sản lượng vụ 2021 thêm 18% so với năm 2020, và xuất khẩu dầu hướng dương dự báo tăng lên 6,35 triệu tấn, từ mức 5,38 triệu của vụ trước, theo số liệu của USDA.

Với việc mùa lễ hội sắp tới, và sản lượng hạt có dầu năm nay sụt giảm, cũng như dịch Covid-19 sẽ chưa sớm kết thúc, sẽ còn tiếp tục gây khó khăn cho việc sản xuất, nguồn cung dầu thực vật dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, tiếp tục gây áp lực tăng giá dầu ăn, thậm chí kéo dài tới năm 2022

Tham khảo: Refinitiv