SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống vào cuộc đua mới

Thị trường thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam vẫn đang có nhiều tín hiệu tích cực nhờ dân số tăng trưởng nhanh và nền kinh tế vĩ mô ổn định. Doanh nghiệp đồ uống đề xuất lùi lộ trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệtGiá trị thị trường ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam năm 2024 dự kiến tăng 10,92%Ngành bao bì, đóng gói hướng tới sản xuất thân thiện với môi trường

Tăng trưởng trong khó khăn

Bất chấp khó khăn, nhiều doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống vẫn đang tăng trưởng tốt. Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Bidrico cho biết, doanh số bán hàng của doanh nghiệp này đã tăng 26% trong năm 2023.

Sở dĩ doanh số tăng trưởng là do doanh nghiệp đã tái cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh các sản phẩm nước uống có nguyên liệu từ trái cây và có nguồn gốc tự nhiên. Vì vậy, cả thị trường trong nước và 14 thị trường xuất khẩu đều tăng trưởng tốt. Trong kế hoạch năm 2024, doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản phẩm mới có nguồn gốc tự nhiên, đồng thời chuyển sang sử dụng nguyên liệu trong nước để có nguồn cung ổn định.

“Chúng tôi tập trung vào thế mạnh của mình tạo ra sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, năm nào cũng có sản phẩm mới bởi xu hướng tiêu dùng hiện nay của thế giới là dùng sản phẩm an toàn và thân thiện với thiên nhiên”, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Bidrico cho biết.

Doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống vào cuộc đua mới
Bên trong một nhà máy sản xuất nước giải khát. Ảnh - VBA.

Theo dự báo của Statista, giai đoạn từ 2023 - 2027, thị trường thực phẩm Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 8,22%/năm. So sánh trong phạm vi Đông Nam Á, doanh thu ngành thực phẩm Việt Nam 2023 xếp thứ ba, chỉ sau Indonesia và Philippines. Trong số các phân khúc của ngành thực phẩm Việt Nam, phân khúc bánh kẹo và đồ ăn nhẹ chiếm tỉ trọng lớn nhất là 14,6%, với khối lượng thị trường đạt khoảng 14,13 tỉ USD trong năm 2023.

Xét trên phân khúc đồ uống, doanh thu thị trường đồ uống Việt Nam trong năm 2023 đạt mức 27,121 tỉ USD, trong đó, phân khúc đồ uống không cồn đóng góp tỷ trọng cao nhất ở mức 37,7%, cũng là phân khúc có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Giám đốc Điều hành Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam - Louise Hawley cho biết, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, với độ tuổi trong nhóm 15 - 54 tuổi chiếm gần 62,2% nên có nhu cầu cao về các loại nước giải khát. Riêng năm 2023, doanh thu ngành nước giải khát Việt Nam đạt 8,25 tỷ USD, dự kiến sẽ cán mốc 10 tỷ USD vào năm 2027.

Trong một báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, trung bình, người Việt chỉ tiêu thụ 23 lít nước giải khát/năm. Trong khi người tiêu dùng thế giới sử dụng 40 lít/năm. Do vậy, tiềm năng thị trường nước giải khát Việt Nam còn rất lớn.

Hướng tới xu hướng sản xuất xanh

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành cho rằng, sản xuất thực phẩm, nước giải khát là ngành cạnh tranh khốc liệt, để có sự tăng trưởng đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư cơ sở vật chất và linh hoạt trong chiến lược kinh doanh. Không chỉ đầu tư công nghệ, giải pháp xanh, hệ thống nhà máy sản xuất giảm khí thải carbon, mà còn phải chuyển đổi sản xuất bao bì xanh. Các nguyên liệu đầu vào đều phải thân thiện với môi trường, đồng thời có thể thu gom, tái chế bao bì dễ dàng.

“Để khẳng định vị thế trên thị trường, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư công nghệ sản xuất, khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của địa phương như nguồn nguyên liệu, nhân lực…. Đồng thời, chú trọng nghiên cứu phát triển những dòng sản phẩm cao cấp có lợi cho sức khỏe để đón đầu thị trường tiêu thụ phân khúc này”, ông Thành nêu rõ.

Doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống vào cuộc đua mới
Nhiều doanh nghiệp quan tâm đến các sản phẩm công nghệ để đáp ứng nhu cầu trong sản xuất xanh

Thích ứng với xu hướng "xanh hóa”, nhiều doanh nghiệp sản xuất đang tìm cách cải tiến dây chuyền công nghệ. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Quản lý kinh doanh, Donaldson Filtration cho hay, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đồ uống đang đầu tư công nghệ, giải pháp xanh trong các nhà máy, sử dụng các sản phẩm máy móc có tuổi thọ dài hơn, ít phát thải hơn. Từ đó góp phần tiết giảm chi phí sản xuất.

Thông tin cụ thể ông Tùng cho biết, những sản phẩm như lọc khí dùng trong sản xuất thực phẩm và đồ uống đang nhận được nhiều đơn đặt hàng của các doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn như sản phẩm của công ty ông Tùng, nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng Tuân thủ Tiêu chuẩn Châu Âu (CE)… nên những tháng đầu năm đơn hàng tăng 20% so với cùng kỳ.

“Chúng tôi vẫn nhìn thấy những tín hiệu tích cực từ thị trường thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam nhờ dân số tăng trưởng nhanh và nền kinh tế vĩ mô ổn định. Do vậy chúng tôi đang tập trung vào công nghệ để đi sâu vào lĩnh vực F&B. ”, ông Tùng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam vẫn được xem là “miếng bánh” ngon so với các nước lân cận. Với mức tăng trưởng ấn tượng qua từng năm, nếu các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng, khai thác tốt lợi thế nguồn nguyên liệu và nhận được sự hỗ trợ kịp thời về mặt chính sách, sẽ nhanh chóng vượt khó và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển trong thời gian tới.

Theo Hà Duyên