SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Food Vietnam 2015 - Gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam

Hội nghị Quốc tế ngành Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam lần thứ hai (Food Vietnam 2015) do Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE), Bộ Công Thương tổ chức gồm một chuỗi các hoạt động đã diễn ra trong hai ngày 13 – 14/5/ 2015 tại thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2015 (Vietnam Foodexpo 2015).

Hội nghị do Bộ Công Thương chủ trì với sự phối hợp của Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Hỗ trợ Nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI, Hà Lan), Trung tâm ASEAN – Hàn Quốc (AKC), Viện Xúc tiến thiết kế Thiết kế Hàn Quốc (KIDP) – Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE), Hội đồng Thiết kế Malaysia (MRM), các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam và các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm Việt Nam và thế giới.

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, có thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây nông nghiệp. Từ nhiều năm nay, sản phẩm nông nghiệp không những đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới với chất lượng cao, sản  lượng lớn. Nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu chiếm giữ vị thế cao trên thế giới như điều và hồ tiêu đứng thứ nhất, gạo và cà phê đứng thứ hai thế giới… Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2014 đạt hơn 30 tỷ USD.Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp nên việc ký kết được các đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn; doanh thu từ xuất khẩu còn thấp do khâu sản xuất, chế biến còn thô sơ, chưa có thương hiệu và phải chia sẻ qua nhiều khâu trung gian. Do đó, điều quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam là không ngừng tăng cường vai trò của mình trong dây chuyền cung ứng và chuỗi giá trị của ngành thực phẩm để vừa cung cấp nhiều sản phẩm có chất lượng hơn, đồng thời gia tăng giá trị xuất khẩu hàng nông sản-thực phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới.

Với chủ đề “Gia tăng giá trị sản phẩm - Tạo sức mạnh tiếp cận và phát triển thị trường”, Hội nghị lần này đã đưa ra các giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm, năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng kết nối của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu để đẩy mạnh tiếp cận và phát triển thị trường cho các mặt hàng thực phẩm Việt Nam. Các bài tham luận tại Hội nghị đã đề cập đến rất nhiều khía cạnh của ngành thực phẩm như: xu hướng thị trường nông sản thực phẩm toàn cầu và vị thế của Việt Nam, tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đối với sự phát triển của ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam, các chính sách thúc đẩy việc tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, thực trạng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, công thức tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm nhờ bao bì và thương hiệu, các cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài, hệ thống phân phối, các vấn đề về ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất và chế biến...

Bà Võ Ngân Giang – đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, nhu cầu sử dụng lương thực thực phẩm của thế giới đang tăng lên qua từng năm. Dự kiến đến năm 2050, thế giới sẽ cần một lượng lương thực khổng lồ mỗi năm gồm: 1 tỷ tấn ngũ cốc, 1 tỷ tấn thịt bò, 460 triệu tấn thịt và 1.048 triệu tấn các loại ngũ cốc khác. Đây được xem là cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Ngoài các cơ hội lớn, các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn.Theo bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, hiện nay năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam còn yếu, hoạt động phân tán, năng lực tài chính yếu, điều kiện vệ sinh kém, chất lượng đầu vào thấp, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm chưa rõ ràng… Cả nước hiệncó khoảng 3.500 doanh nghiệp kinh doanh trên các lĩnh vực nông lâm thủy sản nhưng chủ yếu lại làm dịch vụ. Đáng nói hơn là các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ cho ngành vẫn chưa hoàn thiện, không khuyến khích được doanh nghiệp.

Để đưa ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam phát triển, ông Võ Thành Đô – Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu mở rộng ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu nông, lâm, thủy sản để phấn đấu đến năm 2020 có 40-50% đơn vị sản xuất kinh doanh xuất khẩu có uy tín tại thị trường EU, Hoa Kỳ.

Food Vietnam 2015 đã diễn ra thành công tốt đẹp, quy tụ hơn 250 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản thực phẩm và đồ uống hàng đầu Việt Nam cùng các nhà mua hàng nước ngoài cùng đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí. Hội nghị đã đưa ra được nhiều biện pháp tích cực để đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các mặt hàng nguyên liệu thực phẩm Việt Nam ra thế giới, bên cạnh đó cũng tạo ra cơ hội giao thương, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác nước ngoài.