SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Giá thực phẩm thế giới tăng liên tục trong 5 tháng đầu năm 2019

Giá thực phẩm thế giới tăng tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 5/2019 do thời tiết xấu đẩy giá phô mai và giá ngô tăng, theo tổng hợp mới nhất của FAO cho thấy.

Chỉ số giá thực phẩm FAO (FFPI) tiếp tục tăng tháng thứ 5 liên tiếp, đạt trung bình 172,4 điểm trong tháng 5/2019, tăng 1,2% (2,1 điểm) so với tháng 4/2019, nhưng vẫn thấp hơn 1,9% so với cùng kỳ năm 2018. Giá đường và các loại dầu giảm thì giá các loại thực phẩm khác đều ghi nhận tăng trong tháng 5 vừa qua, với mức tăng mạnh nhất là các sản phẩm sữa, theo sau là giá các loại ngũ cốc.

Chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình 162,3 điểm trong tháng 5/2019, tăng 1,4% (2,2 điểm) so với tháng 4/2019. Tuy nhiên, ở mức điểm này, chỉ số này vẫn thấp hơn khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ số này tăng nhẹ chủ yếu do giá ngô đột ngột tăng khi triểnvọng sản xuất tại Mỹ không mấy tích cực. Ngược lại, giá lúa mỳ giảm trong tháng 5 do triển vọng nguồn cung toàn cầu tích cực và nguồn cung khả dụng xuất khẩu ngô đầy đủ. Chỉ số giá gạo duy trì ổn định tháng thứ 3 liên tiếp nhưng giá gạo thơm tăng nhẹ, bù đắp cho giá gạo ở phần lớn các phân khúc khác đều giảm.

Chỉ số giá dầu FAO đạt trung bình 127,4 điểm trong tháng 5/2019, giảm 1,3 điểm (1,1%) so với tháng 4 và vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Suy giảm giá dầu thực vật các loại chủ yếu xuất phát từ giảm giá dầu cọ, trong khi giá dầu đậu tương, dầu hạt hướng dương và dầu hạt cải tăng nhẹ. Giá dầu cọ thế giới giảm sâu do áp lực liên quan đến mức độ tồn kho lớn tại các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới cũng như giá dầu thô giảm. Đồng thời, giá dầu hạt hướng dương và dầu đậu tương nhận được sự hỗ trợ từ diễn biến nhu cầu nhập khẩu thế giới tăng, trong khi giá dầu hạt cải tăng nhờ lo ngại về triển vọng sản xuất tại EU.

Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 226,1 điểm trong tháng 5/2019, tăng 11,2 điểm (5,2%), so với tháng 4/2019, đẩy chỉ số này lên cao hơn 24,2% so với cùng kỳ năm 2018 và tiệm cận ngưỡng cao nhất trong vòng 5 năm. Giá phô mai tăng mạnh là nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá sữa tăng vọt trong tháng 5 vừa qua, trong khi các sản phẩm sữa khác trong cơ cấu chỉ số này cũng đã tăng vượt mức hồi đầu năm. Giá sữa tăng chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu sữa thế giới tăng trong khi nguồn cung khả dụng xuất khẩu từ Đại Tây dương giảm. Hạn hán gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất sữa, là nguyên nhân chính làm giảm sản lượng khả dụng xuất khẩu. Các lo ngại về tình hình sản xuất sữa tạ châu Âu cũng là yếu tố hỗ trợ giá.

Chỉ số giá thịt của FAO đạt trung bình 170,2 điểm trong tháng 5 vừa qua, tăng nhẹ so với tháng 4 và tiếp tục tăng hàng tháng kể từ đầu năm 2019. Tháng 5/2019, giá thịt lợn tiếp tục tăng do nhu cầu nhập khẩu mạnh, đặc biệt là từ Đông Á, khi sản xuất thịt lợn tại khu vực này giảm mạnh do sự lây lan nghiêm trọng của dịch tả lợn. Giá thịt cừu cũng tăng do nhu cầu nhập khẩu tăng, được đáp ứng bởi nguồn cung khả dụng xuất khẩu dồi dào tại châu Đại dương, trong khi giá thịt gia cầm duy trì ổn định, cho thấy cung – cầu cân bằng. Ngược lại, giá thịt bò giảm từ mức cao trong tháng 4/2019, phản ánh nguồn cung khả dụng xuất khẩu tăng.

Chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 176 điểm trong tháng 5/2019, giảm 5,8 điểm (3,2%) so với tháng 4/2019. Đợt suy giảm giá đường này chủ yếu do triển vọng sản lượng đường tại Ấn Độ tăng. Ấn Độ hiện là nước sản xuất đường lớn nhất thế giới. Ngoài ra, giá năng lượng toàn cầu yếu đi, tác động tiêu cực tới giá đường quốc tế khi các nhà sản xuất đường có động lực sử dụng mía để sản xuất đường, thay vì sản xuất ethanol. Báo cáo tình hình sản xuất đường Brazil cho thấy trong niên vụ 2018/19 kết thúc vào tháng 3 vừa qua, sản lượng giảm 17% so với niên vụ trước, không đủ để bù đăp áp lực giảm giá.

Theo FAO