Họ cũng đang yêu cầu chính phủ cho phép các thành phần kinh tế tư nhân, bao gồm các nhà xuất khẩu, xay xát hoặc nông dân, có thể đưa ra các đề xuất để cải thiện tình hình phát triển của ngành lúa gạo. “Bất chấp việc các đảng nào bắt tay hình thành liên minh cầm quyền, các chính sách để thúc đẩy ngành lúa gạo Thái Lan nên tập trung vào các kế hoạch và các kế hoạch hành động để tăng cường nhận thức của nông dân về chất lượng lúa gạo và sản xuất theo quy luật thị trường để Thái Lan có thể duy trì khả năng cạnh tranh và vị thế dẫn đầu trên thị trường gạo thế giới”, ông Charoen Laothamatas, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan phát biểu trong Thailand Rice Convention (TRC) 2019.
TRC là diễn đàn quốc tế do Thái Lan khởi xướng cho các tác nhân ngành gạo xuyên suốt chuỗi giá trị có thể kết nối, học hỏi và chia sẻ. TRC đặt mục tiêu tăng cường vị thế đã được công nhận quốc tế của ngành gạo Thái Lan, đồng thời thúc đẩy ngành gạo và các sản phẩm từ lúa gạo. Sự kiện này tập trung vào sự đa dạng của các sản phẩm gạo và các phẩm chất độc đáo của gạo Thái Lan như độ thơm, giá trị dinh dưỡng và dược phẩm.
TRC 2019 không chỉ là một diễn đàn quốc tế cho các nhà giao dịch và tác nhân thuộc chuỗi giá trị lúa gạo Thái Lan mà còn từ các nước khác đến để chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm và tầm nhìn nhằm thúc đẩy quan hệ giữa các đối tác thương mại, các nhà làm chính sách và thành viên của các tổ chức liên quan đến ngành gạo trong cả khu vực tư nhân khu vực công từ khắp thế giới.
Chookiat Ophaswongse, chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại ngày càng lún sâu giữa Mỹ và Trung Quốc, kinh tế toàn cầu suy yếu có thể gây áp lực lên xuất khẩu gạo Thái Lan trong nửa cuối năm 2019. Trong cả năm 2019, ông Chookiat cho rằng các nhà xuất khẩu gạo dự báo xuất khẩu gạo Thái Lan sẽ đạt 9,5 triệu tấn, thấp hơn 500.000 tấn so với kỳ vọng của Bộ Thương mại và thấp hơn 1,6 triệu tấn so với kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2018.
Xuất khẩu gạo Thái Lan dự báo sẽ tiếp tục đứng thứ 2 thế giới sau Ấn Độ - nước dự báo xuất khẩu 10,5 triệu tấn gạo trong năm nay, trong khi xuất khẩu gạo Việt Nam dự báo cỉ đạt 6,5 triệu tấn. Trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo Thái Lan đạt 3,1 triệu tấn, trung bình đạt 800.000 tấn/tháng.
Trong năm 2018, xuất khẩu gạo Thái Lan đạt 11,1 triệu tấn, giảm 5% so với mức 11,7 triệu tấn trong năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức 9,91 triệu tấn trong năm 2016. Giá trị xuất khẩu gạo tăng 8,3%, từ 5,18 tỷ USD năm 2017 lên 5,61 tỷ USD năm 2018 và cao hơn nhiều so với 4,4 tỷ USD năm 2016. Trong đó, xuất khẩu gạo trắng đạt 5,49 triệu tấn (+17,4% so với năm 2017), gạo đồ 2,71 triệu tấn (-19,9%), gạo thơm Hom Mali 1,27 triệu tấn (-22,1%), gạo tấm trắng 390.000 tấn (-0,7%), gạo tấm Hom Mali 380.000 tấn (-43,2%), gạo thơm thường 260.000 tấn (+18,6%), gạo nếp tấm 200.000 tán (-32,3%) và gạo nếp 180.000 tấn (-15,7%).
Hiệp hội dự báo xuất khẩu gạo trắng Thái Lan năm 2019 đạt 4,8 triệu tấn, gạo đồ 2,4 triệu tấn, gạo thơm Hom Mali 1,3 triệu tấm, gạo thơm thường 600.000 tấn và gạo nếp 400.000 tấn.
Theo Bangkok Post