SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Xuất khẩu tinh bột cà phê hòa tan: Cơ hội chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn

Thị trường cà phê hòa tan trên toàn cầu được dự báo tăng trưởng 4,7%/năm cho tới năm 2023, từ mức 10,4 tỷ USD năm 2017 lên 14 tỷ USD năm 2023, theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trưởng IMARC cho biết thêm nhu cầu ở các thị trường mới nổi được dự báo tăng trưởng mạnh trong 5 năm tới. Theo hãng Euromonitor, cà phê hòa tan chiếm 1/3 trong thị phần cà phê thành phẩm tiêu thụ trên thị trường Việt Nam với doanh thu bán lẻ giai đoạn 2011-2016 trong khoảng 2.400-3.600 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng trung bình 18,5%/năm. Đây là một cơ sở quan trọng cho hoạt động đầu tư mới vào sản xuất cà phê hòa tan tại Việt Nam nhằm hướng tới xuất khẩu lẫn tiêu dùng nội địa.

Trên thực tế, trong top 10 nước xuất khẩu các chất chiết xuất, tinh chất và các chất cô đặc từ cà phê[1] (HS 210111), Indonesia và Việt Nam là hai nước vươn mạnh lên trở thành nước xuất khẩu lớn, từ mức rất thấp hồi 10 năm trước, với tốc độ tăng trưởng về lượng xuất khẩu giai đoạn 2008-2017 lần lượt đạt 29%/năm và 42%/năm, về giá trị đạt 25%/năm và 31%/năm, vượt qua Ấn Độ và Malaysia là các nước xuất khẩu lớn khác tại châu Á.

Hình 1: Top các nước xuất khẩu chất chiết xuất, tinh chất và các chất cô đặc từ cà phê năm 2008-2018

Nguồn: ITC

Tăng trưởng thương mại quốc tế đối với cà phê hòa tan nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng thương mại cà phê nhân xanh và cà phê rang xay trong thập kỷ qua, tạo nên một xu hướng rõ ràng ở các nước sản xuất cà phê khi hướng đến sản xuất cà phê hòa tan. Các nhà sản xuất cà phê hòa tan tại Indonesia đã nắm bắt trước xu hướng này so với Việt Nam, thành công trong tận dụng chính kinh nghiệm trên thị trường nội địa đang tăng trưởng nóng của họ để thúc đẩy xuất khẩu, phản ánh rõ rệt trong bùng nổ xuất khẩu và đưa Indonesia lên vị trí số 1 về xuất khẩu cà phê hòa tan, vốn mang lại lợi nhuận cao hơn so với cà phê rang xay thông thường.

Giá và sự chuyển dịch cơ cấu thị trường là các nguyên nhân chính mang lại cơ hội cho Indonesia và Việt Nam trong thương mại quốc tế của cà phê hòa tan. Trong khi các nhà xuất khẩu cà phê hòa tan ở châu Âu xác lập một mức giá cao hơn hẳn trên thị trường nhờ bề dày lịch sử hoạt động, chất lượng sản phẩm và uy tín trên thị trường, các nước xuất khẩu gia nhập sau như Indonesia và Việt Nam cạnh tranh mạnh bằng giá (chỉ bằng khoảng 40% giá xuất khẩu từ châu Âu). Năm 2018, giá xuất khẩu tinh bột cà phê tăng mạnh, là một trong những nguyên nhân khiến lượng xuất khẩu mặt hàng này suy giảm.

Hình 2: Giá xuất khẩu trung bình chất chiết xuất, tinh chất và các chất cô đặc từ cà phê năm 2008-18

Nguồn: ITC

Sự nổi lên của thị trường châu Á và Nga, vốn là các thị trường nhạy cảm về giá, là cơ hội tốt nhất có thể xuất hiện, để các nhà xuất khẩu cà phê hòa tan từ Indonesia và Việt Nam giành được thị phần: Chỉ trong vòng 1 thập kỷ, thị phần của khu vực châu Á trong cơ cấu nhập khẩu cà phê hòa tan thế giới đã tăng từ 20% lên 40%, tốc độ tăng trưởng trung bình 11%/năm, và lượng nhập khẩu tăng xấp xỉ 3 lần trong giai đoạn 2008-2017. Philippines là thị trường có mức tăng nhập khẩu cà phê hòa tan ấn tượng nhất trong khu vực châu Á, với mức tăng tới 6,5 lần trong thập kỷ qua.

Sản xuất cà phê hòa tan là hoạt động mà chỉ các doanh nghiệp vốn lớn mới có thể đầu tư công nghệ tiên tiến, đảm bảo chất lượng cao và có khả năng phát triển thị trường thành công. Để xây dựng một nhà máy cà phê hòa tan, các doanh nghiệp phải đầu tư một lượng vốn lớn, như gần đây nhất là Tín Nghĩa với 28 triệu USD cho nhà máy công suất 3.200 tấn/năm, Tata với khoảng 60 triệu USD cho nhà máy công suất 5.000 tấn/năm, Intimex với khoảng 600 tỷ cho nhà máy công suất 3.000 tấn/năm. Một mặt, các hoạt động đầu tư mới này sẽ gia tăng tỷ trọng tiêu thụ cà phê trong nước trong tổng sản lượng, qua đó củng cố toàn bộ phần chuỗi giá trị thượng nguồn; đồng thời, việc các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam, gia nhập phân khúc này sẽ giúp ngành cà phê Việt Nam giữ lại được phần lợi nhuận lớn hơn trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu. Hơn nữa, các doanh nghiệp gia nhập sau thường chấp nhận đầu tư công nghệ tiên tiến hơn, như công nghệ sấy lạnh, qua đó nâng cao chất lượng cà phê hòa tan tại Việt Nam.

 


[1] Mã HS 210111 là chất chiết xuất, tinh chất và các chất cô đặc, từ cà phê, và các chế phẩm có thành phần cơ bản là các chất chiết xuất, tinh chất hoặc các chất cô đặc này hoặc có thành phần cơ bản là cà phê, bao gồm cà phê tan.