SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Hội nghị Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam – Nâng cao chất lượng vì thương hiệu thực phẩm Việt Nam

Ngày 17/11/2016, tại Tp. Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE) – Bộ Công Thương, đã phối hợp cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Hội nghị Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Food Vietnam 2016) với chủ đề “Nâng cao chất lượng vì thương hiệu thực phẩm Việt Nam”.

Quang cảnh Hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của Ông JongHa Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, bà Cecilia Piccioni, Đại sứ Italia tại Việt Nam, ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại- Bộ Công Thương, ông Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  cùng khoảng 250 đại biểu đại diện cho các tổ chức Việt Nam và quốc tế, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồ uống trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, với những lợi thế và tiềm năng đặc trưng, ngành công nghiệp thực phẩm được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và phát triển kinh tế xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ/ngành, các tổ chức và doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu thực phẩm Việt Nam vững mạnh trên thị trường thế giới.

Ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội nghị

Để làm được điều này, Việt Nam phải giải quyết được vấn đề lớn nhất đó là an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại Hội nghị, các chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm, các giải pháp xây dựng thương hiệu ngành và hướng tói nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm.

Các chuyên gia Việt Nam và quốc tế trao đổi tại phần Tọa đàm của Hội nghị

Ông JongHa Bae – Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cho biết, thời gian qua cơ hội thâm nhập của nông sản Việt Nam tới thị trường nước ngoài đã bị ảnh hưởng do một số sản phẩm không đạt chuẩn an toàn thực phẩm. Ví dụ, năm 2015, một số sản phẩm thủy sản bị trả về do vượt quá dư lượng kháng sinh và gần đây là gạo. Theo ông JongHa Bae phát triển năng lực sản xuất ở khu vực nông thôn là vấn đề cốt lõi để nâng cao chất lượng nông sản và trong 10 năm qua FAO đã có nhiều dự án hỗ trợ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của Việt Nam.

Ông JongHa Bae – Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Theo bà Võ Ngân Giang, Phụ trách chương trình sản phẩm nông nghiệp an toàn của FAO, các nhóm đối tác tư nhân như các hợp tác xã, các doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối và hỗ trợ nông dân tham gia vào các chương trình sản xuất thực phẩm sạch. Bên cạnh đó để có sản phẩm an toàn phải chú ý đến việc kiểm soát chất lượng từ các mắt xích khác nhau trong chuỗi cung ứng và đặc biệt là chú ý đến việc truy xuất nguồn gốc để gắn trách nhiệm đảm bảo an toàn cho sản phẩm cuối cùng.

Chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo an toàn thực phẩm tại Italia, TS. Giuseppe Ruocco, Tổng cục trưởng, Tổng cục Vệ sinh, an toàn và dinh dưỡng thực phẩm, Bộ Y tế Italia cho biết, kiểm soát VSATTP tại các nước Châu Âu nói chung và Italia nói riêng được thực hiện từ khâu sản xuất, chế biến, đóng gói, trữ hàng đến bán hàng. Quản lý theo chuỗi từ đầu vào sản xuất – phân phối –  tiêu dùng. Thị trường Châu Âu có một số quy định chung áp dụng cho 28 nước trong  Liên minh Châu Âu (EU) và có hệ thống cảnh báo sớm để cảnh báo về các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra cho các bên liên quan... Ngoài quy định chung thì tuỳ vào lĩnh vực mà còn có những quy định riêng khác, phù hợp từng loại thực phẩm và đặc thù của nước thành viên.

Tham dự Hội nghị, bà Nguyễn Hồng Minh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho biết, vấn đề cải thiện VSATTP và nâng cao uy tín cho ngành thực phẩm có nhiều bên liên quan tuy nhiên quan trọng  nhất là cơ quan quản lý nhà nước và nhà sản xuất. Theo đó, về phía cơ quan quản lý nhà nước phải có sự điều chỉnh về cách tiếp cận, thay vì chỉ kiểm tra sản phẩm cuối cùng, kiểm soát theo chiến dịch phải thực hiện kiểm soát theo hệ thống.

Liên quan tới vấn đề xây dựng thương hiệu cho thực phẩm Việt Nam, Bà Emil Fazira-Chuyên gia nghiên cứu thị trường Tập đoàn Euromonitor International đề cập về vấn đề thương hiệu thực phẩm của Việt Nam nên nhìn ra Châu Á và xa hơn. Bà cho biết, phở, bánh mì và cà phê đá của Việt Nam là những món ăn đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Những thương hiệu này của Việt Nam ngày càng gia tăng và ổn định tại thị trường ẩm thực của Mỹ và Châu Âu. Để thương hiệu của Việt Nam đứng được trên toàn cầu, Việt Nam cần xây dựng hình ảnh thương hiệu độc đáo, cần cân bằng nền kinh tế mở và sự thành công ở thị trường trong nước.

 

Bà Cecillia Piccioni – Đại sứ Italia tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Cùng chia sẻ những kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu thực phẩm quốc gia của Italia với thương hiệu “Italian Taste”, bà Cecillia Piccioni – Đại sứ Italia tại Việt Nam cho biết, Chương trình “Italian Taste” đã giúp Italia giới thiệu hiệu quả với thế giới về sản phẩm của ngành công nghiệp thực phẩm. “Ở Italia, ngành công nghiệp thực phẩm cũng dựa vào các công ty có quy mô vừa và nhỏ như ở Việt Nam. Bên cạnh việc có các thương hiệu đơn lẻ, một khi các công ty cùng đồng loạt tập trung nguồn lực đầu tư cho chất lượng sản phẩm thì sẽ cùng được hưởng lợi từ Chương trình thương hiệu thực phẩm quốc gia”.

Giao dịch thương mại tại Hội nghị

Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam 2016, buổi chiều cùng ngày Chương trình giao thương trực tiếp đã được tổ chức với sự tham gia của khoảng 200 công ty sản xuất, xuất khẩu thực phẩm Việt Nam giao dịch với các đối tác nhập khẩu đến từ các nước Tây Ban Nha, Ba Lan, UAE, Malaysia… và các tập đoàn thu mua, hệ thống siêu thị trong và ngoài nước như: Aeon, Lotter Mart, CJ, Big C, Metro, Satra… Chương trình giao thương diễn ra với hơn 300 lượt giao dịch, 20 bàn giao thương về các mặt hàng cụ thể trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Dự kiến, ngay sau giao thương sẽ có gần 30 hợp đồng mua hàng sẽ được ký kết.

Giao dịch thương mại tại Hội nghị

Hội nghị quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2016 là một trong những hoạt động chính trong khuôn khổ của Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (VIETNAM FOODEXPO 2016) diễn ra từ ngày 16 đến ngày ngày 19/11/2016 tại Tp. Hồ Chí Minh do Bộ Công Thương chủ trì, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức thực hiện.