SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Minh bạch hàng hóa nông sản bằng mã QR

Hà Nội đang đẩy mạnh hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp về phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản. Do đó, nhiều mặt hàng được tiêu thụ ổn định, người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng.

Quản lý được chất lượng trên thị trường

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) Phạm Thị Lý, năm 2017, hợp tác xã triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết, toàn bộ sản phẩm được giám sát theo quy trình sản xuất chặt chẽ từ khi trồng đến chăm sóc, sơ chế, đóng gói.

Đặc biệt, 100% sản phẩm rau, củ, quả sau khi được thu hoạch và sơ chế đóng gói đều được dán tem QR Code, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thông qua điện thoại thông minh có kết nối Internet.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam (huyện Phúc Thọ) Doãn Văn Thắng, hợp tác xã đã vận động người dân duy trì vùng sản xuất, đưa giống mới vào, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào khâu chăm bón, thu hoạch nhằm nâng cao năng suất và chất lượng.

Cùng với đó, đẩy mạnh quá trình nghiên cứu, đầu tư máy móc hiện đại để chế biến các dạng sản phẩm, như: Chuối sấy dẻo, chuối sấy lạnh… nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến mục tiêu sản phẩm được xếp hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Ngoài ra, hợp tác xã đã ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại.

Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội” với địa chỉ tên miền: https://check.hanoi.gov.vn.

Đến nay, đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.229 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản với 11.713 bộ mã truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng duy trì, phát triển tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội trên hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm sản, nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, xây dựng hệ thống phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

Giám sát chất lượng từ gốc

Việc triển khai mã QR không chỉ giúp người tiêu dùng minh bạch thông tin mà còn tạo điều kiện cho các ngành chức năng quản lý an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ số liên thông trên toàn chuỗi sản xuất. Ngoài ra, việc triển khai phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm vẫn còn khó khăn do nhận thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng như người tiêu dùng còn hạn chế.

Cùng với đó, một số lượng lớn nông, lâm, thủy sản được bán tại các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh... được lấy từ những hộ kinh doanh tại chợ đầu mối. Ban Quản lý chợ đầu mối còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm của các hộ, cơ sở kinh doanh, nhất là kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm kinh doanh tại chợ.

Nhìn chung, các hộ kinh doanh tại chợ chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, trong thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ phát triển chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng truy xuất nguồn gốc theo mã QR; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, như: Hỗ trợ gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm an toàn, hỗ trợ tham gia các hội chợ trưng bày, kết nối sản phẩm trong và ngoài huyện.

Cùng với đó, tăng cường công tác hậu kiểm, hỗ trợ kinh phí phân tích các mẫu thực phẩm phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, đánh giá chất lượng. Ngoài ra, huyện phối hợp với các đơn vị hỗ trợ các chủ thể tham gia hội chợ quảng bá giới thiệu sản phẩm sạch, an toàn có mã QR đến tay người tiêu dùng.

Còn theo Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam Mai Quang Vinh, các địa phương nên phối hợp mở một cổng thông tin chung về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm. Qua đó có thể đưa thông tin của hàng vạn hợp tác xã, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản sẽ được minh bạch thông tin.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hệ thống truy xuất nguồn gốc, các quy định, hướng dẫn việc ứng dụng thông tin điện tử trong truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho nông, lâm, thủy sản tại các địa phương và tích hợp lên Hệ thống truy xuất hàng hóa quốc gia.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp các sở, ngành trên địa bàn thành phố phát triển, quản lý “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản và thủy sản thực phẩm an toàn cho thành phố” với mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện, tích hợp, kết nối vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Tiếp tục tham mưu cơ chế hỗ trợ các cơ sở kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn có truy xuất tham gia hệ thống. Phối hợp với các địa phương tư vấn về truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, mã QR... cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.