SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Brazil và Việt Nam đang thắt chặt sợi dây kiểm soát ngành cà phê thế giới ra sao

Một máy dạng tháp chạy ầm ầm khắp cánh đồng của vườn cà phê nhà ông Julio Rinco tại bang Sao Paulo, Brazil, kéo toàn bộ cây cà phê xuống và rụng quả xuống băng tải. Máy thu hoạch tự động này là một trong những sáng tạo giúp giảm chi phí sản xuất của ông Rinco xuống mức mà ít ai sử dụng các phương pháp truyền thống, thâm dụng lao động có thể bì được.

Nhờ tăng sử dụng cơ giới hóa và các công nghệ khác, hai nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam đang đạt tăng trưởng năng suất vượt xa các đối thủ cạnh tranh như Colombia, Trung Mỹ và châu Phi. Brazil và Việt Nam đang thắt chặt vị thế của trên thị trường cà phê thế giới. 

Giá cà phê thế giới giảm mạnh trong những tháng gần đây, xuống mức thấp nhất trong 13 năm, bắt đầu châm ngòi cho rung lắc mạnh và trên diện rộng trên thị trường – điều kiện mà chỉ những nước sản xuất hiệu quả nhất mới có thể tồn tại, theo các nhà giao dịch và phân tích cà phê. Các nhà sản xuất cà phê đối thủ trên toàn cầu có thể bị đẩy đến tình trạng kinh doanh thua lỗ từ hoạt động sản xuất họ đã theo đuổi trong nhiều thế hệ. Một số nông dân thậm chí đang chuyển sang các cây trồng khác trong khi một số từ bỏ hoàn toàn hoạt động sản xuất nông nghiệp. 

Các chuyển dịch như vậy gần như không thể đảo ngược đối với các cây lâu năm như cà phê do quyết định bỏ vườn hoặc đốn cây có thể gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất trong vài năm liền. “Brazil và Việt Nam liên tục tăng năng suất trong khi các nước khác thì không thể”, theo Jeffrey Sachs, giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững tại đại học Colombia nhận định, cho rằng các tiến bộ về cơ giới hóa, tuyển chọn giống cây trồng và công nghệ thủy lợi. 

Tại Colombia và Trung Mỹ, cà phê thường trồng ở sườn dốc nên rất khó áp dụng cơ giới hóa và thu hoạch thủ công khiến chi phí sản xuất duy trì tương đối cao. Trong khi đó, ngành cà phê châu Phi lại đặc trưng bởi những nông dân sản xuất quy mô nhỏ, thường không có khả năng tăng mức vốn cần thiết để áp dụng các kỹ thuật mới. Rinco đã mua máy thu hoạch cà phê với giá khoảng 600.000 reais (155.600 USD) và đang thanh toán cho công ty cung cấp máy móc nông nghiệp bằng cà phê, với lượng 400 bao cà phê loại 60kg hàng năm trong vòng 4 năm. Đây là hình thức giao dịch hàng đổi hàng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp Brazil.

Một chiếc máy như vậy tại Brazil thay thế hàng tá lao động trên các cánh đồng. Ngay và với chi phí tài chính và dầu, nông dân và các nhà sản xuất máy móc cho biết chi phí thu hoạch vẫn giảm tới 40 – 60%. “Ngoài giảm chi phí sản xuất, máy móc còn giúp cuộc sống của tôi bớt phức tạp hơn”, ông Rinco cho biết không còn phải lo lắng cho việc thuê lao động phù hợp để thu hoạch hàng năm tại khu vực vườn cà phê của ông ở Sao Joao da Boa Vista. “Chẳng ai thích đi thu hoạch cà phê nữa mà đều đi đến thành phố tìm việc khác”.

Brazil và Việt Nam hiện tổng cộng sản xuất hơn một nửa sản lượng cà phê toàn cầu, từ mức chưa đến 30% hồi 20 năm trước, và tỷ trọng này sẽ tiếp tục tăng lên, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Chỉ riêng nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Brazil đã chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng cà phê thế giới. Trong một dấu hiệu rõ rệt về hiệu quả sản xuất tăng lên, sản lượng cà phê Brazil lập mức cao kỷ lục 62 triệu bao trong năm 2018 và dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận mức cao kỷ lục trong năm 2020 – bất chấp thực tế là diện tích trồng cà phê tại Brazil suy giảm trong suốt 6 năm qua. Việt Nam cũng thường xuyên lập những kỷ lục sản lượng mới; ngược lại, sản lượng cà phê của Colombia đạt mức cao kỷ lục vào đầu thập niên 90s và tại Guatemala là gần 20 năm trước, dữ liệu của USDA cho thấy.

Tại các nước như Guatemala và Honduras, người trồng cà phê đang ngày càng rời bỏ ngành nhiều hơn khi luồng di cư tới Mỹ tăng mạnh.

Sản xuất cà phê bùng nổ tại Brazil

Năng suất cà phê trung bình tại Brazil đã tăng mạnh trong thập kỷ vừa qua khi số liệu của FAO cho thấy năng suất cà phê của nước này tăng tới hơn 40% lên khoảng 1,5 tấn/ha. Việt Nam cũng có năng suất cà phê tăng mạnh, với mức tăng khoảng 18% lên khoảng 2,5 tấn/ha. Năng suất cà phê của Colombia cũng tăng khoảng 12% nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với hai nước trên, ở mức khoảng 1 tấn/ha. Trong khi đó, năng suất cà phê tại Trung Mỹ giảm khoảng 3% xuống chỉ còn 0,6 tấn/ha,

Doanh nhân Alexandre Gobbi và hai đối tác đã quyết định bước chân vào ngành sản xuất cà phê tại Brazil. Họ đã mua một khoảnh đất tại Sao Sebastião do Paraíso thuộc vành đai sản xuất cà phê chính của Brazil tại bang Minas Gerais, và tìm cách áp dụng công nghệ hiện đại nhất. Hiện nay, vườn cà phê của ông được trang bị các hệ thống bao gồm hệ thống tưới nước nhỏ giọt ngầm có tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI), được coi là công nghệ hiện đại nhất hiện nay. “Thiết bị này làm gần như mọi thứ tự động. Nhận biết độ ẩm, thông báo khi nào thì bổ sung nước và phân bón, bổ sung bao nhiêu”, ông cho hay các bảng thông tin điện tử được đặt trong phòng kiểm soát Với hệ thống này, cộng với các thiết bị khác như các máy thu hoạch, ông đã nâng cao gấp đôi năng suất lên khoảng 60 bao/ha, và có thể vẫn sinh lời ngay cả khi giá cà phê thấp như hiện nay. 

Giá cà phê Arabica tương lai trên thị trường ICE Futures U.S., giá tham chiếu được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay, giảm xuống còn 87,6 cents/lb trong tháng 5, mức thấp kể từ tháng 9/2005. Giá cà phê sau đó phục hồi nhẹ nhưng vẫn ở mức mà không nhiều nhà sản xuất ngoài Brazil và Việt Nam có thể sinh lời.

Sản xuất cà phê tại Việt Nam

Cà phê Arabica, vốn có vị ngọt và nhẹ hơn, chiếm tới 2/3 tổng sản lượng cà phê toàn cầu. Phần còn lại chủ yếu là loại cà phê Robusta đắng hơn và mạnh hơn, phần lớn có nguồn cung từ Việt Nam. Một kho dự trữ cà phê thuộc sở hữu của nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam là Simexco Đăk Lăk tại huyện Dĩ An, thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy quy mô của hoạt động sản xuất cà phê tại Việt Nam.

Cà phê được chất cao đến vài mét, chờ xuất khẩu sang châu Âu. Nhà kho này đủ công suất chứa 20.000 tấn trong mùa thu hoạch. “Ở giai đoạn cao điểm thu hoạch, có đủ chỗ để lách đi giữa hàng chồng bao cà phê là một may mắn”, theo ông Thái Anh Tuấn, hiện quản lý 1 trong 3 nhà kho của Simexco – công ty có doanh số xuất khẩu hơn 80.000 tấn cà phê Robusta hàng năm cho hay. “Mọi không gian trống, dù nhỏ nhất, cũng sẽ được lấp đầy bởi cà phê”, ông Tuấn cho biết thêm. “Chúng tôi phải thuê thêm kho ở gần đây để bổ sung công suất”. Ông cho rằng xuất khẩu cà phê tăng ổn định từ Việt Nam trong 4 – 5 năm vừa qua là nhờ tăng áp dụng các kỹ thuật sản xuất sáng tạo, bao gồm xen canh – tức trồng nhiều loại cây cùng nhau – và sử dụng công nghệ thủy lợi, công nghệ trồng tốt hơn. 

Cà phê vẫn là cây trồng chủ đạo tại Đăk Lăk, tỉnh sản xuất cà phê lớn nhất Việt Nam, mặc dù sầu riêng, thanh long, xoài và bơ được trồng xen canh với cà phê để tối đa hóa thu nhập trong những năm gần đây. Ksor Tùng, một người trồng cà phê sở hữu vườn cà phê rộng 10ha, cho biết trồng xen canh cà phê với sầu riêng giúp bảo vệ cây cà phê tốt hơn khỏi ánh mặt trời chiếu trực tiếp và vật hại. “Nông dân đã thử nghiệm xen canh trong gần 1 thập kỷ”, ông Tùng cho Reuters hay. “Hạt tiêu thường là cây trồng được xen canh nhưng trong 3 năm qua, do giá hạt tiêu giảm mạnh, gần như tất cả nông dân đều chuyển sang trồng cây ăn quả”, ông Tùng cho biết thêm nông dân trồng xen canh có thể tăng gấp 3 lần thu nhập trên mỗi ha.

Khủng hoảng sản xuất tại Colombia

Nông dân tại Colombia lại đang đối mặt với tương lai hoàn toàn khác. Do giá cà phê thấp và chi phí sản xuất cao, một số nông dân đang muốn chuyển sang các cây trồng khác hoặc bán đất bỏ nghề, bất chấp gói trợ cấp hàng triệu đô từ chính phủ.

Ông Jose Eliecer Sierra, một nông dân 53 tuổi, đã trồng cà phê 3 thập kỷ qua nhưng giá cà phê thấp đang buộc ông phải cân nhắc các lựa chọn khác – như trồng bơ và nuôi gia súc. “Bơ đang có nhu cầu tốt trên thị trường quốc tế và là một trong những lựa chọn”, ông cho biết khi đứng giữa 41.000 gốc cà phê trên một sườn đồi dốc gần Pueblorrico, tại tỉnh Antioquia. “Một lựa chọn khác rất hấp dẫn là chăn nuôi gia súc – chặt bỏ cây cà phê và trồng cỏ nuôi bò”.

Đây không phải lần đầu tiên nông dân trồng cà phê Colombia cân nhắc các cây trồng khác để có thu nhập tốt hơn. Rất nhiều nông dân tại Nam Mỹ - thi thoảng bị o ép bởi các nhóm vũ trang – đã từ bỏ trồng cà phê để trồng coca – nguyên liệu sản xuất cocaine, mặc dù sau đó họ đã quay trở lại trồng cà phê.

Đối với những người trồng cà phê, ngay cả chuyển sang các cây trồng khác có thể cũng không giúp ích nhiều. Uriel Posada, một người đã làm nghề sơn nhà hơn 30 năm tại Mỹ, luôn mơ sẽ có ngày quay trở lại Colombia để trồng cà phê. Nhưng nay đất của ông đang rao bán. “Nợ chồng chất đến tận cổ”, người đàn ông 52 tuổi cho hay khi nhìn lên sườn đồi dốc có hơn 30.000 cây cà phê đã được trồng. “Brazil có lợi thế vượt trội so với chúng tôi – đất của họ bằng phẳng và họ có thể dùng máy”, ông Posada cho hay. “Ở đây tôi phải trả công để người ta đi đến từng cây, từng cây và thu hoạch quả chín”.

Bơ và chăn nuôi gia súc là những lựa chọn thay thế tốt, ông Posada nhận định, nhưng sẽ cần vốn khởi nghiệp và thời gian chuyển đổi mà nhiều nông dân địa phương không có. “Tôi sẽ bán đất và trả những món nợ rồi ra đi, kết thúc giấc mơ Colombia của tôi”.

Theo Reuters