SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Bản đồ cà phê thế giới: Các xu hướng tiêu dùng điều tiết các luồng cà phê

Các luồng cà phê toàn cầu chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2018, chủ yếu nhờ Brazil và Việt Nam. Bản đồ cà phê thế giới mới nhất do Rabobank công bố cho thấy 5 chủ đề chính đang định hình các luồng cà phê hiện tại và tương lai. Trong khi một số xu hướng có quy mô toàn cầu, Rabobank cũng xác định một số xu hướng địa phương đang diễn ra tại các thị trường đủ lớn để thực sự dịch chuyển các luồng thương mại toàn cầu.

Các luồng thương mại cà phê củng cố sự thống trị của Brazil

Luồng thương mại cà phê nhân xanh tăng trưởng mạnh trong năm 2018 với 73 triệu bao cà phê Arabica nhân xanh (+5% so với năm 2017) và 40 triệu bao cà phê Robusta nhân xanh (+8%) được xuất khẩu. Gần như toàn bộ tăng trưởng xuất khẩu này đến từ Brazil và Việt Nam, khiến thị trường thế giới ngày càng phụ thuộc vào hai nước sản xuất cà phê lớn nhất này. So với bản đồ cà phê mà Rabobank công bố gần nhất vào 4 năm trước, xuất khẩu cà phê của Honduras đã tăng trưởng rất ấn tượng, nhưng giá cà phê thấp hiện nay có thể sẽ cản trở tăng trưởng xuất khẩu từ Trung Mỹ và gần như đối với tất cả các nước khác, trừ các nhà sản xuất có chi phí thấp như Brazil và Việt Nam.

Thương mại cà phê chế biến ổn định hơn nhiều trong năm 2018, gần như không thay đổi so với năm 2017. Ý đang tiến gần tới trở thành nước xuất khẩu cà phê rang lớn nhất thế giới, gần như vượt qua Đức. Tăng trưởng xuất khẩu cà phê hòa tan từ Việt Nam và Indonesia trong năm 2018 cũng rất lớn nhưng Brazil hiện vẫn là nước xuất khẩu cà phê hòa tan dẫn đầu thế giới. Sản lượng cà phê Robusta của Brazil tăng, đặc biệt là sản lượng năm 2019 dự báo cao kỷ lục, sẽ khiến ngành sản xuất cà phê hòa tan của Brazil càng trở nên cạnh tranh hơn. Vị trí dẫn đầu xuất khẩu cà phê hòa tan của Brazil sẽ càng được củng cố nếu thỏa thuận thương mại tự do EU – Mercosur đạt được, mang đến những cơ hội rất lớn cho các nhà máy cà phê hòa tan tại Brazil.

CÁc xu hướng tiêu dùng đang định hình các luồng thương mại cà phê

Rabobank đã xác định một số xu hướng tiêu dùng đang chi phối các luồng cà phê về cả định lượng và chất lượng: một số có phạm vi toàn cầu; một số khác chỉ diễn ra ở phạm vi địa phương nhưng trên các thị trường có tiềm năng tăng trưởng lớn. 5 yếu tố lớn nhất mà Rabobank quan sát thấy trên các thị trường toàn cầu và địa phương bao gồm

Sự chuyển dịch theo hướng tiêu dùng ngoài nhà (Out-of-home consumption)

Gần như ở khắp mọi nơi, tiêu dùng cà phê ở ngoài nhà đang tăng nhanh hơn tiêu dùng tại nhà, chủ yếu do những thay đổi trong lối sống và những sáng tạo mới trong lựa chọn tiêu dùng ngoài nhà. Các quán cà phê chuyên biệt hiện chỉ chiếm mtộ phần nhỏ trong tổng số địa điểm cung cấp các thức uống cà phê nhưng nhóm quán này đang làm thay đổi hình ảnh của cà phê và kỳ vọng của người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm, Rabobank nhận thấy sự chú trọng hơn vào các sản phẩm khác biệt, cao cấp và có thể truy xuất nguồn gốc và Raboank cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục giúp tiêu dùng ngoài nhà vượt qua tiêu dùng tại nhà.

Cà phê uống liền thúc đẩy kinh doanh cà phê

Tiêu dùng cà phê uống liền (RTD) rất phát triển tại châu Á – chỉ riêng Nhật Bản đã chiếm hơn một nửa lượng tiêu dùng cà phê uống liền trên thế giới – nhưng cà phê uống liền cũng đang ngày càng được ưa chuộng tại Bắc Mỹ và tại châu Âu, mặc dù vẫn còn ở mức thấp. Rabobank cho rằng đây là phân khúc tăng trưởng cốt lõi trng ngành cà phê và là một lĩnh vực có biên lợi nhuận cao, có tiềm năng xây dựng thương hiệu.

Đặc biệt, tại Bắc Mỹ, sự ưa chuộng ngày càng tăng đối với cà phê ủ lạnh đang mang đến một cú hích mạnh cho cà phê RTD. Đây là một lựa chọn hấp dẫn, tiện lợi cho cả cà phê nóng và đồ uống tăng lực đối với những người đang tìm kiếm hiệu ứng kích thích từ caffeine và cũng cho cả các đồ uống có gas hoặc đồ uống không cồn khác. Mối quan hệ đối tác gần đây của PepsiCo và Lavazza, cũng như sự ra đời của cà phê uống liền Costa, cho thấy lằn ranh giữa các đồ uống không cồn và cà phê uống liền sẽ ngày càng mờ nhạt.

Cà phê viên nén và cà phê túi lọc tiếp tục tăng trưởng tại các thị trường phát triển

Yếu tố thành công chính của các sản phẩm cà phê dùng một lần nằm ở tính tiện lợi, đặc biệt dễ sử dụng và tốc độ chuẩn bị nhanh. Hiện nay, Tây Âu (65%) và Bắc Mỹ (26%) chiếm thị phần áp đảo trong doanh số toàn cầu nhưng nhu cầu đang tăng lên ở tất cả các khu vực. Do tiện lợi là một trong những động lực chính của nhu cầu tiêu dùng toàn cầu, Rabobank dự báo nhu cầu cà phê viên nén và túi lọc tiếp tục tăng trưởng trong tương lai gần. Hơn nữa, tính hiệu quả trên cho thấy sự chuyển dịch sang cà phê viên nén và túi lọc sẽ có thể có tác động tiêu cực lên lượng cà phê.

Sự phát triển cà phê cao cấp tại Brazil

Với 21 triệu bao loại 60kg hàng năm, Brazil là nước tiêu thụ cà phê lớn thứ hai thế giới và nhu cầu hiện vẫn đang tăng lên. Quan trọng hơn, doanh số cà phê cao cấp, như các loại cà phê đặc sản, trái cà phê tươi, và đặc biệt là cà phê viên nén, đang tăng mạnh hơn các sản phẩm tiêu chuẩn như cà phê uống liền và cà phê xay hạng tiêu chuẩn. Rabobank dự báo doanh số cà phê cao cấp tại Brazil sẽ tiếp tục tăng trưởng 2 con số đến năm 2021 và thu hút thêm đầu tư mới từ các nhà sản xuất cà phê toàn cầu.

Thị trường Trung Quốc đặc biệt nóng trong lĩnh vực quán cà phê

Việc Luckin Coffee niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 5/2019 đặc biệt cho thấy động lực phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực quán cà phê và cà phê nói chung tại Trung Quốc. Tiêu dùng cà phê của Trung Quốc vẫn ở mức rất thấp nhưng tất cả các chuỗi cà phê quốc tế và nội địa đang trong cuộc đua giành sự chú ý và nổi bật tại các thành phố lớn. Rabobank dự báo các khoản đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào thị trường này: người tiêu dùng Trung Quốc kỳ vọng chất lượng dịch vụ cao và địa điểm thuận lợi thay vì giá rẻ, có nghĩa là về dài hạn, không phải tất cả các mô hình kinh doanh đều thành công. Nhưng hiện tại, số lượng ngày càng tăng những người trẻ Trung Quốc đang lựa chọn thưởng thức 1 cốc cà phê mỗi ngày. Với mức tiêu dùng trên đầu hàng năm chỉ 13 suất, so với 244 suất tại Hàn Quốc, thị trường Trung Quốc vẫn còn dư địa tăng trưởng rất lớn.

Theo Rabobank