SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Cà phê Việt Nam bắt đầu len lỏi vào các quán cà phê đặc sản trên thế giới

Trong rất nhiều năm, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO). Tuy nhiên, trong khi thế giới phát cuồng với những hạt cà phê đặc sản từ Trung Mỹ và châu Phi, “làn sóng thứ ba” của văn hóa cà phê dường như rất chậm chạp tiến tới hạt cà phê Việt Nam.

Điều này cuối cùng cũng đang thay đổi. Các quán cà phê chuyên biệt về cà phê Việt Nam hiện đang len lỏi khắp các thành phố từ Pittsburgh tới Austin. Các cửa hàng tạm thời và tạo sự hiếu kỳ lớn (pop-up stores) như Kasama Cà Phê tại San Francisco đang sử dùng nguồn cà phê từ Việt Nam với sự trân trọng và giới thiệu đa dạng các món cà phê nóng – lạnh lấy cảm hứng từ các thức uống từ cà phê tại Đông Nam Á.

Trong vài thập kỷ qua, các quán cà phê đều rất ưu ái cà phê Arabica, thường rang nhẹ để trưng ra đầy đủ các cấp độ chua nhẹ, phức tạp. Trong khi đó, phần lớn nguồn cà phê từ Việt Nam là cà phê Robusta, đại diện cho loại cà phê có vị mạnh và đắng hơn – các phẩm chất càng mạnh khi được rang đậm. Ở chất lượng cao nhất, hạt cà phê Robusta có thể mang đến hương vị mạnh, đầy lôi cuốn khi cà phê Robusta Việt Nam được kết hợp hoàn hảo với sữa đặc.

Những hạt cà phê Robusta mang đến cho món espresso Ý hương vị mạnh mẽ, đồng thời cũng được sử dụng làm cà phê hòa tan – thứ đồ uống khiến cà phê Robusta không thể cải thiện danh tiếng trong thời gian dài. Tuy nhiên, theo Sahra Nguyen, nhà sáng lập của Nguyen Coffee Supply, chuyên rang xay cà phê có trụ ở tại Brooklyn, những người Việt Nam di cư sang Mỹ từ lâu luôn trung thành với các thương hiệu cà phê của siêu thị có chứa hạt cà phê Robusta – trong đó thương hiệu Café du Monde được ưa chuộng nhất – để tìm kiếm vị cà phê mạnh, đắng và có hương vị khói. “Đó là loại cà phê rẻ, dễ mua và được rang đậm, gợi nhớ tới hương vị cà phê tại quê nhà”.

Hiện Sahra Nguyen đang mua trực tiếp cà phê từ Việt Nam dạng mộc và không bổ sung bất cứ hương vị nào khác. Công thức sản phẩm Loyalty của Nguyen Coffee Supply bao gồm 50 Robusta/50 Arabica, rang vừa riêng rẽ để các phẩm chất của mỗi loại hạt cà phê đều được bộc lộ.

Xuất hiện suốt những ngày đầu tháng 8 tại quán cà phê pop-up ở khu Lower East Side của Mahattan, Sahra Nguyen giới thiệu Café Phin – lấy tên từ cách pha cà phê truyền thống qua phin tại Việt Nam. Đặt phin cà phê trên một chiếc cốc hoặc bình, để tạo thành nguyên liệu nền cho nhiều loại đồ uống. Món đồ uống đặc trưng của Café Phin là latte đá với chiết xuất khoai môn.

Giống như   Nguyen Coffee Supply, Copper Cow Coffee tại Los Angeles cũng mua trực tiếp nguồn cà phê Robusta từ Việt Nam. “Hiện một nguồn cung lớn cà phê hữu cơ, chất lượng tuyệt vời đến từ Việt Nam”, theo nhà sáng lập Debbie Wei Mullen, sử dụng cả cà phê Robusta và Arabica. 80% doanh thu của doanh nghiệp này đến từ bán hàng trực tuyến, các sản phẩm cà phê của Copper Cow Coffee hiện diện trên các kệ của Walmart và 5.000 nhà bán lẻ khác.

Để thiết lập một chuỗi cung ứng cà phê chất lượng cao từ Việt Nam tiêu tốn rất nhiều thời gian. Thu Pham, một đồng sáng lập của Càphê Roasters tại  Philadelphia, đã mất khoảng 6 tháng để tìm một nhà phân phối cà phê Arabica Việt Nam và một nông dân từ vùng Tây Nguyên có sản xuất cả cà phê Arabica và Robusta. Vào mùa xuân vừa qua, Càphê Roasters bắt đầu bán buôn vào các nhà hàng trong thành phố và sẽ tiến tới kênh phân phối khác vào mùa hè. Khách hàng lẻ có thể đặt hàng trên website từ đầu tháng 8.

Cà phê của Càphê Roasters đặt mục tiêu thỏa mãn những người dùng cà phê sành sỏi của làn sóng thứ ba cũng như những người hoài nhớ về hương vị cà phê Việt Nam mà họ đã lớn lên cùng. “Chúng tôi đã tìm ra cách rang mà không cần thêm bất cứ chất nhân tạo nào, để mang đến hương khói mà rau diếp xoăn mang lại cho Café Du Monde”, Thu Pham cho hay. Các hạt cà phê theo cách rang này có hương vị cân bằng, mượt, đậm hương hoa và có một chút hương chocolate. Dù dùng với sữa đặc hay không thì một tách cà phê này cũng đầy đủ hương vị không thể trộn lẫn của cà phê Việt Nam.

Theo The Wall Street Journal