SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Việt Nam có thể học hỏi Thái Lan, Campuchia để xây dựng vị thế thị trường cho đặc sản

Thái Lan hiện là nước dẫn đầu Đông Nam Á về quảng bá đặc sản địa phương đến các thị trường quốc tế nhờ tận dụng khéo léo ẩm thực vào du lịch, các hệ thống đánh giá tiêu chuẩn quốc gia và đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Du lịch ẩm thực là lĩnh vực mang về doanh thu lớn cho ngành du lịch Thái Lan, chỉ đứng sau chi phí lưu trú và mua sắm. Cuối năm 2017, Thái Lan từng đặt du lịch ẩm thực và món ăn địa phương làm giá trị cốt lõi để thúc đẩy du lịch nước này. Du lịch chính là kênh dẫn khách quốc tế đến với gạo thơm Thung Kula Rong Hai, me ngọt Phetchabun, cà phê Doi Chaang, cà phê Doi Tung, sầu riêng Monthon. Chairat Petchdaku, phó chủ tịch kinh doanh siêu thị The Mall Group, cho biết lượng khách du lịch Trung Quốc tại Paragon ngày càng tăng, công ty có một không gian rất lớn dành cho khu vực quà lưu niệm Gourmet Thai, tăng từ 300m2 trước đây lên 700m2 vào năm 2017. Big C Thái Lan có một khu vực có tên “Đặc sản Thái” (Thai Signature) với hàng loạt các sản phẩm Thái Lan từ đồ ăn vặt tới gia vị cùng với 20 mặt hàng độc đáo khác mà du khách được khuyến nghị “phải mua mang về”.

Cuối năm 2018, dự án “The Authentic Thai Food for the World” (Ẩm thực Thái đích thực cho thế giới) là sáng kiến nhằm định vị thực phẩm Thái Lan trên trường quốc tế thông qua tiêu chuẩn hóa hương vị ẩm thực Thái Lan. Các chủ nhà hàng và doanh nhân kinh doanh ẩm thực Thái tham gia vào dự án và những món ăn vượt qua kiểm tra hương vị sẽ được cấp chứng nhận “Authentic Thai”. Tiêu chuẩn cũng sẽ áp dụng cho hương vị của nguyên liệu sử dụng trong ẩm thực Thái cũng như thực phẩm chế biến của Thái Lan, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nước này trong ngành thực phẩm quốc tế.

Chỉ dẫn địa lý cho đặc sản được coi là một trong các phương thức lâu đời nhất để bảo vệ các sản phẩm truyền thống có tính độc đáo và danh tiếng liên quan chặt chẽ đến vị trí địa lý mà sản phẩm được hình thành. GI đại diện cho thương hiệu về địa phương, biểu hiện chất lượng của sản phẩm, quy trình sản xuất và nguồn gốc xuất xứ.Thái Lan là nước dẫn đầu về đăng ký Chỉ dẫn địa lý tại Đông Nam Á, nhưng Campuchia cũng rất đáng để theo dõi. Đặc sản có chỉ dẫn địa lý nổi bật nhất của Campuchia là hạt tiêu Kampot. Tiêu Kampot từ Campuchia đã được mô tả là “vàng đen”. Một đầu bếp New York thậm chí đã sáng chế ra một loại kem từ tiêu Kampot. Olivier Roellinger, một đầu bếp Michelin 3 sao ở Pháp, ca ngợi vị của hạt tiêu trồng ở tây nam Campuchia vì “nồng hương” và”dải hương vị rộng”. Giữa năm 2018, khi giá hạt tiêu thường tại Campuchia rơi xuống mức xấp xỉ 2,75 USD/kg, giá hạt tiêu Kampot tiếp tục duy trì vững vàng, theo ông Nguon Lay, chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Hạt tiêu Kampot cho hay khi giá hạt tiêu đen Kampot đạt 15 USD/kg, hạt tiêu đỏ có giá 25 USD/kg và giá hạt tiêu trắng là 28 USD/kg.

Nói về bí quyết xây dựng thương hiệu đặc sản hạt tiêu Kampot, ông Stephane Passeri, một chuyên gia về Chỉ dẫn địa lý (GI) tại Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), cho rằng bí quyết nằm ở sự tuân thủ “Nguyên tắc Vàng của Chỉ dẫn địa lý”. “Nguyên tắc vàng” nghĩa là nhà sản xuất cần phải tạo ra một hiệp hội khi bắt đầu. Sau đó hiệp hội sẽ thay mặt toàn bộ chuỗi giá trị xây dựng và triển khai một kế hoạch kiểm soát chất lượng và cấp giấy chứng nhận trước khi đăng ký. Không phải tất cả các nước đều có một hệ thống chỉ dẫn địa lý tốt như vậy, thậm chí là cả Thái Lan.

Hiệp hội Xúc tiến Hồ tiêu Kampot, do ông Nguon Lay lãnh đạo, cho biết đã giành được chứng nhận GI từ EU vào năm 2016, sau đó được công nhận bởi Thái Lan và Việt Nam. Hiệp hội quản lý rất nghiêm ngặt tư cách thành viên của Hiệp hội và chỉ những hồ sơ sản xuất đáp ứng đúng tiêu chuẩn mới được tham gia. Ngoài ra, Hiệp hội không cung cấp tư vấn hay xem xét tư cách thành viên cho các hồ sơ đến từ các khu vực ngoài Kampot bởi cho rằng hạt tiêu Kampot là độc nhất và có chất lượng đặc biệt. Ông Nguon Lay cho hay: “Chúng tôi không tư vấn cho những nông dân trồng hạt tiêu tại các tỉnh khác với 2 lý do. Thứ nhất, chúng tôi không biết chắc chắn về chất lượng thực sự của hạt tiêu họ trồng. Thứ hai, chúng tôi không thể đảm bảo rằng những nông dân tại các vùng khác không trộn hạt tiêu đã qua chế biến của họ với các loại hạt tiêu chất lượng thấp khác. Ngoài ra, những nông dân đã tiếp cận với chúng tôi không có kế hoạch chi tiết về cách họ trồng hồ tiêu để đáp ứng các tiêu chuẩn tiên quyết cho chứng nhận GI”. Tương tự, gạo Thái Hom Mali Thung Kula Rong Hai được trồng tại 5 tỉnh. Nhưng cộng đồng doanh nghiệp Ban Um-sang, đại diện chỉ cho 5 làng với sản lượng nhỏ, muốn bảo vệ chất lượng và danh tiếng tốt của sản phẩm gạo hữu cơ của họ.

Vốn là một đất nước giàu đặc sản địa phương, Việt Nam có nhiều tiềm năng về sản phẩm để tạo nên vị thế vững chắc hơn cho sản phẩm bản địa trên cả thị trường nội địa và quốc tế. Để đạt được những thành công như Campuchia hay Thái Lan, ngoài tập trung vào sản xuất tốt các đặc sản địa phương, chính quyền địa phương sở hữu những đặc sản đắt giá cần đặt trọng tâm vào nâng cao nhận thức cho cộng đồng để hiểu biết hơn, cam kết cao hơn trong xây dựng vị thế thị trường cho nông sản đặc sản. Để biến sản phẩm của mình trở thành một đặc sản, người sản xuất nông nghiệp phải hiểu biết rõ ràng về sản phẩm, nguồn gốc, và các hoạt động kinh doanh sản phẩm nói chung. Trước đây đã từng có một tranh luận về việc đăng ký quế dạng thô hay dung dịch chưng cất từ vỏ cây quế tại Việt Nam cho chỉ dẫn địa lý. Hơn nữa, bảo vệ tên riêng của sản phẩm là chưa đủ. Các nhà sản xuất cần đăng ký toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất để đảm bảo chất lượng và danh tiếng của sản phẩm. Ví dụ điển hình nhất là chuỗi giá trị ngành rượu tại Pháp: các trang trại trồng nho và sản xuất rượu thường đăng ký toàn bộ quy trình - từ chuẩn bị thu hoạch cho tới đóng chai, nhằm ngăn chặn những hành vi gian lận, hoặc pha trộn rượu chất lượng thấp. Ngay tại khu vực Đông Nam Á, các bài học rút ra từ kinh nghiệm của Thái Lan và Campuchia hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam để tạo nên vị thế vững chắc cho đặc sản nước nhà.