WHO đặt mục tiêu xóa bỏ sự hiện diện của các chất béo chuyển hóa (artificial trans fat) mà thành phần chính là các loại dầu chuyển hóa từng phần (partially hydrogenated oils - PHOs) - một nguồn dinh dưỡng dưỡng bổ sung cơ bản của chất béo chuyển hóa nhân tạo trong thực phẩm chế biến trong giai đoạn từ 2019 - 2025. Trong hướng dẫn chi tiết, WHO cho rằng mọi người nên giảm tiêu dùng chất béo chuyển hóa xuống mức dưới 1% tổng năng lượng hấp thụ hàng ngày, nghĩa là một chế độ ăn 2.000 calories hàng ngày không nên bao gồm quá 2,2gr chất béo chuyển hóa. Đây được cho là một mục tiêu đầy tham vọng và các thị trường phát triển đang tiên phong triển khai các quy định nhằm đạt mục tiêu này đúng thời hạn.
Đan Mạch là nước đầu tiên áp dụng các hạn chế định lượng đối với chất béo chuyển hóa từ năm 2003. Năm 2015, tại Mỹ, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm (FDA) đã công bố phán quyết cuối cùng rằng các loại dầu hydro hóa từng phần (PHOs) là không an toàn và PHOs sẽ bị cấm sử dụng trong thực phẩm tại Mỹ từ tháng 6/2019. Ngày 25/4/2019, EU đã bắt đầu áp dụng Quy định 2019/649 “liên quan đến chất béo chuyển hóa, ngoại trừ các chất béo chuyển hóa tự nhiên diễn ra trong chất béo nguồn gốc động vật”. Quy định mới đặt giới hạn 2gr chất béo chuyển hóa trên mỗi 100gr chất béo, không tính các loại chất béo chuyển hóa tự nhiên trong chất béo nguồn gốc động vật.Quy định này áp dụng cho thực phẩm trong phân khúc người tiêu dùng cuối cùng và thực phẩm phân phối cung ứng bán lẻ. Các loại thực phẩm chưa tuân thủ kịp Quy định 2019/649 có thể tiếp tục phân phối trên thị trường cho tới ngày 1/4/2021. Tương tự, Singapore cũng đặt ra thời hạn tháng 6/2021 để các công ty thực phẩm kịp chuẩn bị tuân thủ quy định cấm hoàn toàn nguyên liệu thực phẩm chứa các loại dầu chuyển hóa từng phần (PHOs) trong thực phẩm chế biến phân phối trên thị trường này.
Trong số các nền kinh tế đang phát triển và nhóm các nước xuất khẩu thực phẩm chế biến lớn trên thế giới, Thái Lan là nước sớm có các động thái liên quan đến chất béo chuyển hóa. Tháng 7/2018, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Thái Lan (Thai FDA) ban hành quy định cấm tiêu dùng nội địa và nhập khẩu PHOs, có hiệu lực từ tháng 1/2019 và khuyến cáo các nhà sản xuất thực phẩm chuyển sang các loại dầu tự nhiên bản địa như dầu cọ, dầu dừa và các loại dầu tự nhiên tổng hợp. Mặc dù Thái Lan đặt ra thời hạn hiệu lực khá gấp gáp cho các nhà sản xuất-xuất khẩu thực phẩm, quy định này được cho là sẽ giúp Thái Lan thích ứng nhanh hơn các nước xuất khẩu khác trên thị trường thực phẩm chế biến quốc tế, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng nội địa các loại dầu tự nhiên mà nước này có lợi thế sản xuất.
Trong khi đó, Việt Nam chưa có các quy định hạn chế hàm lượng hay ghi nhãn thông tin bắt buộc về chất béo chuyển đổi nhân tạo trên sản phẩm thực phẩm cho thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Cụ thể là đến nay, Nghị định 15/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật An toàn Thực phẩm, Thông tư 05/2018/TT-BYT ban hành Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam lẫn Nghị định 09/VBHN-BYT ban hành ngày 4/4 vừa qua liên quan đến ghi nhãn thực phẩm và sử dụng phụ gia thực phẩm đều chưa bao gồm các điều khoản chi tiết liên quan đến chất béo chuyển đổi nhân tạo. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu cần chủ động theo dõi quy định chi tiết và thời hạn áp dụng các quy định liên quan tới hàm lượng tối đa chất béo chuyển đổi nhân tạo, ghi nhãn sản phẩm và các quy định về dụng cụ, vật liệu bao gói thực phẩm tại các thị trường mục tiêu để theo kịp các xu hướng trên thế giới lẫn động thái của các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu.
Chất béo chuyển hóa là một dạng chất béo chưa bão hòa, thường được sử dụng trong thực phẩm chế biến công nghiệp như các loại chất béo thực vật, margarine, đồ ăn vặt, các loại bánh kẹo công nghiệp, bánh quy giòn, bỏng ngô công nghiệp, các loại thực phẩm ăn liền đông lạnh và các sản phẩm tương tự. Các chất béo chuyển hóa làm thay đổi một số các đặc tính của thực phẩm chế biến, như kéo dài thời hạn sử dụng và ổn định hương vị của các loại thực phẩm chế biến.