SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Đa dạng xuất khẩu thanh long nhờ mã số vùng trồng

Sản xuất theo GlobalGAP cộng với việc sớm được cấp mã số vùng trồng nên thanh long của một HTX ở Tiền Giang đã đi vào được nhiều thị trường khó tính.

Vườn thanh long của HTX Mỹ Tịnh An đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: TS-MTA.

Vườn thanh long của HTX Mỹ Tịnh An đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: TS-MTA.

HTX Mỹ Tịnh An (Tiền Giang) được thành lập năm 2009, với ngành nghề chính là sản xuất, thu mua, đóng gói, xuất khẩu trái thanh long và một số nông sản khác. Bên cạnh đó, HTX làm dịch vụ chăm sóc vườn và cung ứng vật tư nông nghiệp. Đến nay, HTX Mỹ Tịnh An có 100 thành viên với tổng diện tích sản xuất 120 ha. Toàn bộ diện tích đều áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Ông Văn Tấn Phương, Phó giám đốc HTX Mỹ Tịnh An, cho biết, từ năm 2014, HTX bắt đầu áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, hướng dẫn cho tất cả các thành viên của HTX sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đầu năm 2015, HTX đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận GlobalGAP trên vùng trồng thanh long của HTX. Nhờ đó mà trái thanh long của HTX được khách hàng của các thị trường khó tính chấp nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, trước khi được cấp mã số vùng trồng, trái thanh long của HTX chỉ xuất khẩu được sang các nước châu Âu và một số thị trường châu Á. Thị trường Mỹ và Úc không xuất khẩu được vì đây là hai quốc gia yêu cầu phải có mã số vùng trồng.

Để mở rộng thị trường xuất khẩu, năm 2015, HTX Mỹ Tịnh An đã nộp đơn đề nghị Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu II cấp mã số vùng trồng cho HTX.

Sau khi nhận đơn, Trung tâm đã tư vấn hướng dẫn rõ ràng cho HTX những công việc cần đáp ứng. Sau đó, Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật đến HTX nhận diện vùng trồng và đến từng vườn giám sát các hoạt động như: áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, trong đó chú trọng đến việc ghi chép Nhật ký canh tác.

HTX được lưu trữ, bảo quản tốt Nhật ký canh tác để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc khi có yêu cầu; theo dõi thường xuyên tình hình sinh vật gây hại; thực hiện tốt vệ sinh vườn; thực hiện tốt các biện pháp canh tác, phòng trừ sinh vật gây hại và thu hoạch để đảm bảo mật độ sinh vật gây hại luôn ở mức thấp và không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo quy định của các nước nhập khẩu, cũng như để đảm bảo đáp ứng một số yêu cầu khác.

Do vùng trồng của HTX áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình từ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm, nên HTX không gặp nhiều khó khăn. Kết quả là Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu II đã đồng ý cấp mã số vùng trồng cho HTX Mỹ Tịnh An theo đúng thời gian quy định.

Thanh long của HTX Mỹ Tịnh An đã xuất khẩu sang nhiều thị trường nhờ có mã số vùng trồng. Ảnh: HTX Mỹ Tịnh An.

Thanh long của HTX Mỹ Tịnh An đã xuất khẩu sang nhiều thị trường nhờ có mã số vùng trồng. Ảnh: HTX Mỹ Tịnh An.

Sau khi được cấp mã số vùng trồng, HTX đã xuất khẩu được thanh long sang thị trường Mỹ và Úc, giúp cho thị trường xuất khẩu của HTX được đa dạng hơn, uy tín vùng trồng thanh long của HTX được nâng cao, khách hàng của HTX ngày càng nhiều, giúp thành viên của HTX ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Theo ông Phương, trong những năm qua, công tác quản lý và duy trì mã số vùng trồng luôn được HTX quan tâm. Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu II cũng đã đề ra quy định và đã phối hợp chặt chẽ với HTX. Cụ thể, nếu HTX có liên kết với doanh nghiệp nào để xuất khẩu, HTX phải làm giấy xác nhận với nội dung HTX có cung cấp hàng với số lượng và chủng loại cụ thể cũng như đồng ý cho doanh nghiệp đó sử dụng mã vùng trồng, rồi gửi cho Trung tâm. Trên cơ sở đó, Trung tâm sẽ tiến hành xác nhận cho lô hàng đủ điều kiện xuất khẩu.

HTX không cho bất kỳ doanh nghiệp nào không có liên kết với HTX mượn mã số vùng trồng của HTX. Hàng năm, Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu II cử cán bộ kỹ thuật đến tiến hành giám sát lại vùng trồng của HTX. Cơ quan kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu cũng định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra vùng trồng của HTX, nếu có sai sót lập tức yêu cầu có hành động khắc phục. Điều này giúp cho HTX quản lý tốt và duy trì được mã số vùng trồng cho đến hôm nay.

Theo Nông nghiệp Việt Nam