SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Để xuất khẩu chè bền vững: Cần thay đổi cách làm

Việt Nam được biết đến là nước có lịch sử trồng chè lâu đời, với những đồi chè và cây chè cổ thụ đã tồn tại qua nhiều thế hệ, nổi tiếng với nhiều sản phẩm chè xanh và chè đặc sản. Tuy nhiên, các giá trị của ngành chè chưa được khai thác sâu. Xuất khẩu chè của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào số lượng. Vì vậy, cần phải thay đổi về cách làm chè hiện nay để xuất khẩu chè được bền vững.

Phát biểu tại Hội thảo "Thông tin thị trường và bài học kinh nghiệm xuất khẩu chè Việt Nam" tổ chức ngày 1/9/2017, tại Hà Nội, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, Việt Nam đang bán chè có kim ngạch tương đối lớn, nhưng cách làm vẫn chủ yếu thiên về số lượng, đặc biệt khâu nghiên cứu thị trường và làm thương hiệu chè đang bị bỏ quên.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty chè Hà Thái, tỉnh Thái Nguyên cũng chia sẻ, các khách hàng khó tính tại thị trường Bắc Mỹ khi thưởng thức chè Việt Nam đều có chung nhận xét là chè rất ngon so với chè của nhiều nước khác trên thế giới, nhưng họ lại không được biết nhiều về chè của Việt Nam. Vì vậy, chè của các nước khác có chỗ đứng trên thị trường, trong khi chè Việt Nam lại chưa được nhiều khách hàng biết đến.  

Nhằm góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp ngành chè cập nhật xu thế thị trường, tăng cường quảng bá thương hiệu, chất lượng sản phẩm chè đa dạng tới các khách hàng nhập khẩu tiềm năng, ngay từ năm 2015 là năm đầu tiên diễn ra Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – cơ quan tổ chức Triển lãm – đã dành một khu vực có điểm nhấn riêng cho ngành chè. Trong kỳ tổ chức năm nay từ ngày 15-18/11/2017 tại Tp. Hồ Chí Minh, các gian hàng chè sẽ tiếp tục là khu vực trưng bày quan trọng của Triển lãm.

Một trong nhiều loại sản phẩm chè ngon được trưng bày tại Vietnam Foodexpo 2016

Vietnam Foodexpo đã trở thành một địa chỉ quen thuộc quy tụ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè trên cả nước, thu hút nhiều nhà nhập khẩu, phân phối, các tổ chức kiểm định chè từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với kỳ tổ chức lần thứ 3 tới đây, Triển lãm tiếp tục sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp chè Việt Nam tiếp cận các khách hàng nước ngoài triển vọng ngay tại Việt Nam, mở ra tiềm năng hợp tác giao lưu, quảng bá thương hiệu sản phẩm, chuyển giao công nghệ, ký kết hợp đồng… Tham dự Triển lãm, các doanh nghiệp cũng sẽ có cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm chế biến, bảo quản và xuất khẩu chè của các doanh nghiệp chè uy tín khác trong nước.

Để tham gia Triển lãm Vietnam Foodexpo với mục tiêu hướng tới xuất khẩu có hiệu quả, ngoài vấn đề cốt lõi cần tập trung cho chất lượng, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm tới việc củng cố danh tiếng sản phẩm. Ông Wisal Hin, chuyên gia tư vấn quốc tế ngành chè của Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương cho rằng, ngành chè cùng giống như ngành thời trang, có thương hiệu, dòng sản phẩm khác nhau. Vì vậy, các công ty chè nên viết nên câu chuyện về sản phẩm chè của mình, giới thiệu rõ nguồn gốc xuất xứ, phương thức trồng cũng như sản xuất chè, văn hóa uống chè tới người tiêu dùng tại Triển lãm.

Ở góc độ nhà quản lý, Phó Cục trưởng Đỗ Kim Lang nhấn mạnh, ngành chè  cần chuyển cách làm từ chủ yếu thiên về số lượng sang thiên về chất lượng để tạo ra những sản phẩm chè cao cấp, vào được những thị trường cao cấp. Chỉ khi chất lượng chè được đảm bảo, khâu tiếp thị, quảng bá thương hiệu chè mới dễ dàng hơn. Bởi, một sản phẩm tốt sẽ luôn lấy lòng được người tiêu dùng, từ đó, thương hiệu, hình ảnh chè Việt Nam sẽ phát triển bền vững hơn.