SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Hàn Quốc áp dụng thuế ưu đãi 5% cho hơn 55.000 tấn gạo Việt

Trong vòng 10 năm kể từ năm 2020, Hàn Quốc sẽ áp dụng mức thuế suất ưu đãi 5% cho khối lượng hạn ngạch 408.700 tấn gạo từ 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo cam kết của Hàn Quốc, trong vòng 10 năm, kể từ năm 2020, hàng năm Hàn Quốc áp dụng mức suất thuế ưu đãi 5% cho khối lượng hạn ngạch 408.700 tấn gạo nhập khẩu. Thuế suất áp dụng cho khối lượng gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch là 513%. 

Trong khối lượng hạn ngạch 408.700 tấn, Hàn Quốc cam kết phân bổ 388.700 tấn theo cơ chế hạn ngạch quốc gia CSQ (Country-Specific Quota) cho 05 nước đã tham vấn, cụ thể: Trung Quốc 157.195 tấn; Hoa Kỳ 132.304 tấn; Việt Nam 55.112 tấn; Thái Lan 28.494 tấn và Úc 15.595 tấn. Khối lượng 20.000 tấn còn lại thực hiện theo nguyên tắc MFN.

Do đó, để chuẩn bị và tận dụng hiệu quả cơ hội từ các đợt đấu thầu nhập khẩu gạo của Hàn Quốc trong năm 2020, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã có công văn số 336/XNK-NS ngày 01 tháng 4 năm 2020 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Lương thực Việt Nam để thông tin đến các thương nhân xuất khẩu gạo cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan về một số nội dung liên quan đến quy định nhập khẩu gạo của Hàn Quốc.

Cụ thể, toàn bộ khối lượng hạn ngạch sẽ được phân bổ theo cơ chế đấu thầu hàng năm và khối lượng hạn ngạch được phân bổ của năm nào phải được nhập khẩu trong năm đó. Hàn Quốc sẽ tổ chức nhiều đợt đấu thầu cung cấp gạo theo hạn ngạch và cho từng nước. Số lượng hạn ngạch của từng nước được chia nhỏ ra trong nhiều đợt đấu thầu.

Tổng công ty Thương mại nông thủy sản và lương thực Hàn Quốc (aT) là đơn vị được chỉ định duy nhất thực hiện cơ chế phân bổ hạn ngạch trên. Hình thức đấu thầu điện tử với chứng nhận xác thực dấu vân tay (các nhà cung cấp nộp hồ sơ qua mạng, chào giá qua mạng và phải có giấy chứng nhận xác thực dấu vân tay do aT cấp).

Đối tượng được tham gia chào thầu là nhà cung cấp gạo nước ngoài; đại lý Hàn Quốc của nhà cung cấp gạo nước ngoài. Tuy nhiên, mỗi một đại lý Hàn Quốc chỉ được làm đại diện cho một nhà cung cấp nước ngoài.

Về tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với gạo nhập khẩu, tiêu chuẩn gạo Mỹ 3 được áp dụng chung đối với tất cả các nước. Tuy nhiên, aT cũng có thể điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí riêng đối từng loại gạo và từng đợt đấu thầu. Ngôn ngữ của hồ sơ chào thầu phải là tiếng Hàn Quốc, bản hồ sơ tiếng Anh chỉ mang tính tham khảo.

Phía Hàn Quốc sẽ áp dụng chung tiêu chuẩn gạo Mỹ 3 đối với tất cả các nước. Tuy nhiên, aT cũng có thể điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí riêng đối từng loại gạo và từng đợt đấu thầu.

Về kế hoạch đấu thầu phân bổ hạn ngạch đối với khối lượng hạn ngạch năm 2020. Theo thông báo của aT, dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2020, aT sẽ tổ chức đấu thầu 3 lần vào tháng 1, tháng 3 và tháng 5 cho 50% tổng hạn ngạch dành cho 5 nước với tổng lượng 388.700 tấn. Căn cứ theo tình hình thực tế, aT sẽ điều chỉnh các đợt đấu thầu tiếp theo vào 6 tháng cuối năm (dự kiến thêm 2 đến 3 đợt đấu thầu).

Trong nửa đầu năm 2020, Hàn Quốc dự kiến nhập khoảng 50% trong tổng lượng hạn ngạch gạo dành cho 5 nước thành viên WTO. Các đợt đấu thầu sẽ diễn ra vào tháng 1, 3 và 5. Tuy nhiên, do sự bùng phát của dịch Covid-19 nên kế hoạch này có thể sẽ phải thay đổi. Thực tế các lô hàng mời thầu từ Trung Quốc đã bị bảo lưu và chưa rõ khi nào có thể mở lại. 

Đối với Việt Nam, Phòng Chính sách về Ngũ cốc đang cân nhắc khả năng mời thầu đợt đấu thầu tháng 5. Lượng nhập khẩu dự kiến sẽ là 50% của tổng lượng hạn ngạch 55.112 tấn dành cho Việt Nam năm 2020.

Theo CafeF