SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Phân khúc F&B tiện lợi, uống liền (RTD) và ăn liền (RTE) thu hút đầu tư nước ngoài dựa vào sự mở rộng các kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam

Trong nửa đầu năm 2019, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đón nhận 11.400 tỷ đồng, tương đương 491,3 triệu USD, vào 11 dự án đầu tư chế biến nông sản hiện hành lẫn đầu tư mới, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD). Năm 2018, Bộ NNPTNT cho hay 20.000 tỷ đồng đã được đổ vào 30 dự án chế biến nông sản trên toàn quốc và kỳ vọng các khoản đầu tư này sẽ mang lại một bước nhảy vọt trong chế biến và xuất khẩu nông sản.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang đặc biệt quan tâm vào lĩnh vực chế biến thực phẩm và đồ uống tiện lợi, uống liền (RTD) và ăn liền (RTE) tại Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội trên thị trường quy mô gần 100 triệu dân với 50% là dân số trẻ, thị trường nông thôn hầu như chưa được khai phá và các kênh bán lẻ hiện đại nhảy vọt lên chiếm lĩnh 25% tỷ trọng thị trường bán lẻ. Đầu tháng 9/2019, Nestlé Việt Nam đã triển khai giai đoạn 2 của nhà máy Nestlé Bông Sen tại khu đô thị Thăng Long II, phía bắc tỉnh Hưng Yên và sẽ tăng gấp đôi công suất sản xuất Milo để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao. Trong vòng 2 năm, tổng đầu tư của Nestlé Việt Nam vào Hưng Yên đã tăng lên gần 100 triệu USD. 

Cuối tháng 9/2019, các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền Hàn Quốc là Nongshim và Ottogi thông báo tăng đầu tư vào Việt Nam với tầm nhìn phát triển toàn Đông Nam Á. “Việt Nam sẽ được định vị là cơ sở để chúng tôi tiến vào thị trường Đông Nam Á”, theo Korea Times dẫn lời đại diện chính thức của Nongshim. Nongshim, nhà sản xuất mì ăn liền hàng đầu Hàn Quốc, đã mở chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 10/2018. Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cũng cho thấy trong năm nay, tính đến ngày 16/6, một người dân nông thôn Việt Nam tiêu dùng trung bình 56 gói mì ăn liền, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018. Con số tiêu dùng mì ăn liền của một người dân thành thị là 36 gói, tăng 4%. Khoảng 90% các hộ gia đình Việt Nam có mua mì ăn liền trong khoảng thời gian nói trên.

Trong khi đó, Jollibee cũng quyết định mở nhà máy chế biến thịt gà đầu tiên tại Việt Nam với công suất đáp ứng nhu cầu của hơn 500 cửa hàng tại tỉnh Long An, là nhà máy có 4 dây chuyền sản xuất hiện đại, bao gồm sơ chế gà, chế biến, sản xuất nước sốt, trộn bột và nướng đạt tiêu chuẩn ISO 22000: 2018. Với hơn 15 năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam, Jollibee tự tin tuyên bố đã hiểu rõ nhu cầu và khẩu vị của người tiêu dùng Việt Nam, chính thức đặt chân vào lĩnh vực chế biến thực phẩm đầy triển vọng.

Trong lĩnh vực đồ uống, Coca Cola bắt tay với đối tác chiến lược Fonterra đặt chân vào thị trường sữa uống liền của Việt Nam với 3 dòng sản phẩm chính là Nutriboost Kids, Nutriboost To-Go và Nutriboost Beauty. Sự gia nhập thị trường sữa Việt Nam của liên minh Coca Cola - Fonterra càng gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường Việt Nam cho các công ty sữa nội địa. 

Quyết định mạnh tay đầu tư mới và mở rộng quy mô chế biến thực phẩm tại Việt Nam của các công ty FDIs tương quan rất lớn tới tốc độ mở rộng của các kênh bán lẻ hiện đại, với sự tham gia sôi động của các nhà bán lẻ nội địa và nước ngoài. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 9/2019, tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng và dịch vụ đạt 158 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong những năm gần đây, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng với tốc độ 2 con số và hàng loạt các hoạt động thâu tóm - sáp nhập (M&A) đang tạo ra những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán lẻ. Một số thương vụ M&A nổi bật là vụ thâu tóm chuỗi siêu thị Big C của Central Group với giá trị 1,05 tỷ USD trong năm 2016; Vingroup thâu tóm Fivimart và Shop & Go; Saigon Co.op thâu tóm hoạt động tại Việt Nam của nhà bán lẻ Pháp Auchan. Nhiều thương hiệu cửa hàng tiện lợi nổi tiếng thế giới hiện đã hiện diện tại Việt Nam bao gồm Family Mart, Ministop – Aeon, 7-eleven (Nhật Bản), Circle K (Mỹ), Shop & Go (Singapore) và B’s Mart (Thái Lan).

 Trong những năm gần đây, một số nhà bán lẻ đã xây dựng các trung tâm mua sắm quy mô lớn (Vincom Mega Mall, Aeon Mall) mang lại những trải nghiệm thú vị cho khách hàng tới mua sắm nhờ ứng dụng các công nghệ số và các ứng dụng hỗ trợ mua sắm được cài đặt vào điện thoại của khách hàng. Trong năm 2018, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam nhập vào để bán tại hệ thống kinh doanh của Aeon tại Nhật Bản đã tăng 7,6% so với năm 2017 và Aeon Co có kế hoạch tăng gấp đôi giá trị nhập hàng từ Việt Nam từ mức hiện tại lên 500 triệu USD trong năm 2020 và tăng thêm gấp 2 lần trong giai đoạn 5 năm tiếp theo. “Thực phẩm là lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng mạnh”, theo Eiji Shibata, giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận kinh doanh và hậu cần của nhà bán lẻ Nhật Bản này cho hay. 

Ngoài ra, 70% dân số Việt Nam sở hữu các thiết bị thông minh, cộng với tốc độ phát triển nhanh chóng của các công nghệ số, trí thông minh nhân tạo, dữ liệu lớn, đang khiến hoạt động thương mại điện tử ngày một sôi động. Với tăng trưởng trung bình hàng năm 35%, theo nghiên cứu do Bộ Công thương và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam hợp tác tiến hành, Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Doanh thu bán lẻ từ thương mại điện tử đạt 8 tỷ USD trong năm 2018 và con số này dự báo đạt 13 – 15 tỷ USD trong năm 2020. Các sản phẩm thực phẩm - đồ uống tiện lợi đặc biệt phù hợp với các kênh thương mại điện tử. Các dịch vụ giao hàng tận nhà, đặc biệt là dịch vụ miễn phí giao hàng từ 150.000 VNĐ của Lotte và 200.000 VNĐ của VinCommerce, càng khuyến khích người tiêu dùng trực tuyến đặt hàng.

Các nhà đầu tư chế biến thực phẩm - đồ uống nước ngoài đang thâm nhập Việt Nam một cách có chiến lược và dựa vào nhịp phát triển của các kênh bán lẻ hiện đại. So với các doanh nghiệp nội địa, các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ có lợi thế về công nghệ, đóng gói và thiết kế bao bì, họ còn có năng lực tài chính để phân bổ lớn cho các hoạt động marketing, xúc tiến bán hàng. Phân khúc thị trường thực phẩm và đồ uống tiện lợi, RTD và RTE sẽ ngày càng sôi động tại Việt Nam.