Để thâm nhập thị trường Mỹ, quả bơ phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu theo quy định về độ chín, màu sắc và trọng lượng. Quả bơ phải còn nguyên vẹn, sạch và không có côn trùng. Do đó, các nhà xuất khẩu quy mô nhỏ thường gặp nhiều khó khăn để tiếp cận thị trường này do thiếu kinh nghiệm hoặc kết nối với các chuỗi cung ứng. Ngoài ra, quy trình vận chuyển quả bơ từ vườn tới thị trường cũng là một thách thức lớn.
Việt Nam hiện có rất nhiều giống bơ khác nhau với thời gian thu hoạch gần như suốt năm. Tuy nhiên, giá trị quả bơ Việt Nam vẫn thấp do hạn chế về sản xuất, bao gồm các điểm yếu về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ, manh mún và thiếu thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Do đó, để xuất khẩu quả bơ sang Mỹ, Việt Nam phải yêu cầu các nhà xuất khẩu đảm bảo các chứng chỉ chất lượng, thiết lập mối quan hệ tin tưởng với các đối tác trong chuỗi cung ứng bằng cách cam kết mạnh mẽ về chất lượng và minh bạch thông tin trong thực thi các hợp đồng xuất khẩu.
Nếu nông dân Việt Nam có hoạt động sản xuất đạt chất lượng cũng như đầu tư thích hợp và có chiến lược tiếp cận thị trường cho quả bơ thì sẽ đạt được doanh thu cao từ xuất khẩu loại trái cây này sang thị trường khó tính như thị trường Mỹ, văn phòng thương mại Việt Nam tại Mỹ cho biết.
Theo một khảo sát tại Mỹ về tiêu dùng quả bơ, trong năm 2018, nhập khẩu bơ của Mỹ đạt 1,04 triệu tấn, trị giá 2,35 tỷ USD. Khoảng 51% các hộ gia đình Mỹ tiêu dùng bơ với mức chi tiêu trung bình 24.5 USD/năm để mua quả bơ. Cây bơ được trồng tại một số khu vực địa lý nhất định. Trung Quốc và Thái Lan là các nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới nhưng lại không có khu vực địa lý phù hợp để trồng bơ. Cây bơ phổ biến tại Việt Nam nên Việt Nam có tiềm năng cung cấp loại trái cây này sang thị trường Mỹ. Trước đó, Việt Nam đã phải dành 10 năm để có giấy phép xuất khẩu xoài sang Mỹ.
Các nước trồng bơ chính trên thế giới là Mexico, Indonesia, Tây Ban Nha, Brazil, Peru, Chile, Nam Phi và một số nước Nam Mỹ khác. Tại Việt Nam, cây bơ được trồng tại nhiều tỉnh thành, nhưng tập trung tại khu vực Tây Nguyên với tổng diện tích 8.000ha Tỉnh Đăk Lăk là tỉnh trồng bơ lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 4.300ha. Đứng thứ 2 là Đăc Nông với diện tích gần 2.600ha, tiếp theo là Lâm Đồng và Gia Lai. Trong những năm gần đây, trái bơ Tây Nguyên đã có mặt tại nhiều chợ và siêu thị tại Việt Nam, đồng thời được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo VNA