Chương trình giao thương diễn ra với hơn 350 lượt giao dịch, 15 bàn giao thương với các mặt hàng cụ thể trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Đã có 3 hợp đồng nguyên tắc được đàm phán ngay tại buổi giao thương và khoảng 81 giao dịch tiềm năng được xúc tiến sâu hơn ngay sau buổi giao thương như hẹn gặp, tới thăm doanh nghiệp…, 45 giao dịch khác có khả năng phát triển hợp tác.
Tập đoàn Walmart (Hoa Kỳ) là đơn vị nổi bật nhất với hàng trăm đơn vị đăng ký giao thương. Tuy nhiên, để trở thành nhà cung cấp cho “gã khổng lồ” bán lẻ lớn này, doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ và đáp ứng được một số tiêu chuẩn nhất định, trong đó có các chứng chỉ được công nhận toàn cầu và một số điều kiện khác. Chính vì vậy, ngay tại buổi giao thương, Walmart chỉ có thể lựa chọn để làm việc trực tiếp với 28 doanh nghiệp cung cấp. Kết quả, có 10 đối tác tiềm năng được Walmart đánh giá cao và có khả năng trở thành nhà cung cấp chính thức cho Tập đoàn này trong khoảng từ 1-3 năm tới, ngoài ra có khoảng 4 doanh nghiệp khác có thể xem xét một số hướng hợp tác về sau.
Mặc dù là đầu tiên tham gia chương trình nhưng Vinmart đã thu hút khoảng 61 lượt giao dịch với các nhóm sản phẩm quan tâm gồm thực phẩm tươi và thực phẩm chế biến. Vinmart đã đạt được kết quả giao thương tốt với gần 20 đối tác tiềm năng có thể thực hiện các bước hợp tác sâu hơn về sau và có khả năng tiến tới ký kết hợp đồng. Ngay tại buổi giao thương, đơn vị này cũng đã trực tiếp ký kết hợp đồng nguyên tắc với 1 công ty đến từ thành phố Cần Thơ.
SATRA là đơn vị đã tham gia chương trình nhiều năm liền. Năm nay SATRA có nhu cầu kết nối với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm, đồ uống và đặc sản địa phương. Sau giao thương, SATRA sẽ lựa chọn và làm việc chi tiết để tiến hành hợp tác với khoảng 21 đối tác tiềm năng trong tổng số gần 50 lượt giao dịch, khoảng 11 đối tác khác sẽ có hướng trao đổi chi tiết để xác định hướng hợp tác cụ thể, hiệu quả. Đặc biệt, ngay tại buổi giao thương, SATRA đã trao đổi hợp đồng nguyên tắc với 1 doanh nghiệp đến từ tỉnh Bình Phước.
LOTTE là đơn vị tham gia chương trình liên tục trong những năm vừa qua. Năm nay LOTTE đón khoảng 40 lượt doanh nghiệp tham gia giao thương về thực phẩm khô, thực phẩm tươi và phi thực phẩm. Đại diện LOTTE cho biết có 5 đối tác tiềm năng và 13 đối tác có thể phát triển. LOTTE tiếp tục mong muốn được gặp gỡ với nhiều đối tác hơn, đặc biệt là các nhà cung cấp trực tiếp các mặt hàng có liên quan.
Tại chương trình giao thương, Big C Việt Nam (thành viên của Central Group) đã làm việc được với khoảng gần 80 lượt doanh nghiệp tham gia giao thương, trong đó có 13 đối tác tiềm năng có thể tiến tới ký kết hợp đồng về sau và 1 đơn vị đến từ tỉnh Tây Ninh đã được trực tiếp ký kết hợp đồng nguyên tắc ngay tại buổi giao thương.
Tham gia chương trình giao thương, CJ Cầu Tre (một thành viên của CJ Việt Nam) đã có khoảng 25 giao dịch chuyên sâu. CJ Cầu Tre đã đặt lịch tới thăm nhà xưởng và làm việc tại công ty của khoảng 6 doanh nghiệp Việt Nam để trao đổi cụ thể hơn nhằm tiến tới ký kết các hợp đồng thu mua sản phẩm, 3 doanh nghiệp khác sẽ được CJ Cầu Tre xem xét hướng hợp tác cụ thể khác nhằm mang lại lợi ích cho các bên liên quan.
Đến từ Hoa Kỳ, LB International Foods là đơn vị thu mua nhiều mặt hàng: trái cây tươi, trái cây đông lạnh, trái cây sấy khô, nước ép, hạt điều, trà đen đã nhận được sự quan tâm lớn nhất của các nhà cung cấp, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Tuy nhiên theo đơn vị này, rất nhiều nhà sản xuất Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu cơ bản để tiếp cận thị trường Hoa Kỳ như các chứng nhận FDA, AMCHAM Test, GAP. Theo báo cáo, LB International Foods đã thực hiện khoảng 33 lượt giao thương, trong đó có 6 đối tác rất tiềm năng có thể tiến tới hợp đồng và 7 đối tác có thể xem xét hướng hợp tác về sau.
Lần đầu tiên tham gia chương trình giao thương trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam, PIRIZON đến từ Myanmar là một trong các nhà nhập khẩu nhận được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp, nhà cung cấp thực phẩm, đồ uống của Việt Nam. Myanmar là một thị trường mới đầy tiềm năng với các doanh nghiệp Việt Nam. Tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường này được phía PIRIZON đánh giá là không cao và phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam nếu biết khai thác. PIRIZON là đơn vị có thời gian giao dịch kéo dài nhất theo hướng chuyên sâu và đánh giá cao hiệu quả kết nối của chương trình, bày tỏ mong muốn được tham gia giao thương trong sự kiện năm tiếp theo.
GLOBEX là đơn vị thu mua đến từ Canada với khoảng 15 lượt giao dịch, tuy số lượng giao dịch chưa cao vì mặt hàng đơn vị này thu mua chỉ giới hạn ở sản phẩm dừa, nhưng GLOBEX đã bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Ban tổ chức đã bố trí chu đáo chương trình giao thương để tạo cơ hội kết nối với các doanh nghiệp cung cấp tại Việt Nam. Hiện tại, doanh nghiệp này đang thu mua sản phẩm tương tự tại Sri Lanka nhưng mong muốn tìm kiếm được đối tác cung cấp tại Việt Nam với các sản phẩm có chất lượng tương tự nhưng giá cả cạnh tranh hơn. Doanh nghiệp này cũng mong muốn đươc Ban tổ chức kết nối tiếp về sau, đặc biệt với các doanh nghiệp trong ngành dừa và các loại hạt. Theo báo cáo, đơn vị này có triển vọng tiến tới ký kết hợp đồng với 2 đối tác cung cấp của Việt Nam.
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam đến tham gia giao thương đều đánh giá tính hiệu quả mà chương trình mang lại trong việc kết nối, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm của mình và mở ra tiềm năng hợp tác với các đại siêu thị, các tập đoàn thu mua trong và ngoài nước; đồng thời mong muốn các chương trình giao dịch thương mại sẽ tiếp tục được tổ chức để doanh nghiệp mở rộng cơ hội tiếp cận với các nhà nhập khẩu và các đại siêu thị.