Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, người tiêu dùng Nhật Bản quen với cụm từ “Anzen” và “Anshin”, có nghĩa là “an toàn” và “an tâm” trong việc sử dụng tất cả các mặt hàng nông sản, thực phẩm, kể cả hàng được sản xuất trong nước hay sản phẩm nhập khẩu vào Nhật Bản. Gần đây với tình hình giá cả thực phẩm trong nước đắt đỏ, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý. Nhiều siêu thị của Nhật Bản hiện nay đã cũng hướng tới nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm có chất lượng tốt, giá rẻ từ Việt Nam như cá tra, thịt gà, tôm, xoài, chuối, thanh long và các sản phẩm đông lạnh khác.
Trong số các mặt hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản phải kể đến là các mặt hàng rau quả tươi được hưởng thuế suất 0% sau 5 – 7 năm kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực. Ngoài ra, thủy sản là lĩnh vực đem lại lợi ích xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam, thì Nhật Bản cũng sẽ giảm thuế từ mức bình quân 5,4% năm 2008 xuống 1,31% năm 2019. Mặt hàng tôm, cua ghẹ và một số sản phẩm cá được hưởng thuế suất 0% ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Nắm bắt cơ hội người Nhật Bản đang tin dùng các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam hơn so với sản phẩm tương tự của các nước ngoài khác cùng với lợi thế hưởng ưu đãi thuế quan trong VJEPA, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã hợp tác với các hệ thống siêu thị của Nhật Bản như AEON, Bic A, Donkihote, Kohyo..., các địa phương của Nhật Bản như Ibaraki, Kanagawa, Gunma, Mie... để giới thiệu và quảng bá hàng hóa Việt Nam.
Gian hàng của 1 doanh nghiệp Nhật Bản tại Vietnam Foodexpo 2016
Với sự kiện “Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2017 – Foodexpo 2017” do Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh từ ngày 15-18/11/2017, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cùng với tỉnh Ibaraki (phối hợp với Công ty Forval Corporation) sẽ đưa18 doanh nghiệp tỉnh Ibaraki, Nhật Bản sang Việt Nam, mang theo 29 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh gồm đồ uống, nông thủy sản và thực phẩm chế biến để tham dự Triển lãm.
18 doanh nghiệp lần này gồm: Meiri Shurui Co., Ltd; Inaba Shuzo, Yoshikubo Brewing Co., Ltd; Hirose Company; Tsukinoi Shuzoten K.K; Nemoto Shuzo Co., Ltd; Nomura Jozo K.K; Daruma Shokuhin Inc.; Asaichiban Co., Ltd; Nemoto Co., Ltd; Nemotoen; Yoshidaya Co., Ltd; Takita Kogyo Co., Ltd; Hinodeya Co., Ltd; Tsukamoto Co., Ltd; Hitachi Agricultural Cooperative; Takagi Shoten Co., Ltd; Kashitora Co., Ltd. Đây là những doanh nghiệp có truyền thống lâu năm của tỉnh Ibaraki được nhiều người biết đến.
Ngoài việc tham gia trưng bày tại Triển lãm, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Cục Xúc tiến thương mại, Công ty Forval Corporation, các doanh nghiệp của tỉnh Ibaraki cũng sẽ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, giao thương nhằm tìm kiếm đối tác hợp tác sản xuất, gia công, cung cấp nguyên liệu cũng như tìm đại lý bán hàng tại Việt Nam.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Bộ Công Thương “thúc đẩy hàng Việt Nam vào hệ thống siêu thị bán lẻ của Nhật Bản” nhằm triển khai nhiệm vụ “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng lưới phân phối nước ngoài đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3/9/2015, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng phối hợp với Công ty VIENT đưa đoàn doanh nghiệp gồm đại diện của 6 hệ thống siêu thị lớn của Nhật (như BIC A, Kohyo, Mamimart, Daiei...) sang Việt Nam tham dự Triển lãm Vietnam Foodexpo 2017 và đi khảo sát một số vùng trồng chuối tại Long An, Đồng Nai, vùng nuôi trồng và chế biến thủy sản tại Cần Thơ và vùng đánh bắt cá ngừ tại Quy Nhơn. Các hoạt động này nhằm tìm kiếm nguồn cung cấp hàng nông sản, thủy sản và thực phẩm chế biến đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để đưa vào các siêu thị của Nhật Bản.