Đây là nhận định của ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm, tổ chức ngày 15/11vừa qua trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2017 (Vietnam Foodexpo 2017) tại Tp. Hồ Chí Minh. Hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Ông Bertrand Lortholary - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, Quốc gia Danh dự của Triển lãm Vietnam Foodexpo 2017, đã đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tương lai kinh tế xán lạn và có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư. Đại sứ Bertrand Lortholary cho rằng với kinh nghiệm và năng lực của mình, các doanh nghiệp Pháp chắc chắn đáp ứng được nhu cầu về công nghệ và đầu tư ở thị trường Việt Nam. “Trong thời gian tới, với sự phối hợp chặt chẽ của hai quốc gia sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển nói chung và ngành công nghiệp chế biến thực phẩm nói riêng. Chúng ta sẽ làm tốt hơn nếu chúng ta làm cùng nhau”, Đại sứ Bertrand Lortholary nói.
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Almut Roessner, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã gửi tới các đại biểu thông tin về cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và khối EU từ hiệp định thương mại tự do EU - Viêt Nam, dự kiến sẽ được phê chuẩn và thực hiện vào năm 2018. Bà Almut Roessner tin rằng EVFTA sẽ mở ra các cơ hội để tiếp cận các công nghệ và máy móc hiện đại, tri thức công nghệ cao và sáng tạo, nâng cao kỹ năng lao động, tạo thêm nhiều việc làm và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững hơn. Eurocham cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ các sự kiện nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và EU.
Công nghiệp chế biến thực phẩm là một trong những nhóm ngành được Chính phủ lựa chọn ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Thị trường lớn ở Việt Nam và xuất khẩu, cộng với các chính sách khuyến khích của Chính phủ đã mang lại nhiều cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện các chính sách của Nhà nước đã đồng bộ và bao trùm lên tất cả chuỗi sản xuất nông nghiệp. Hầu hết các chính sách trong lĩnh vực này đều liên quan đến việc khuyến khích phát triển chế biến nông sản, nhất là chế biến sâu, gia tăng giá trị cho sản phẩm. Mức ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp tương đối lớn từ đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại… Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước các cấp cũng hết sức nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp thuận lợi trong đầu tư sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực chế biến thực phẩm.