SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

“Rộng cửa” đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm

Tại Hội thảo xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm diễn ra ngày 15/11/2017 tại TP Hồ Chí Minh, ông Bùi Trường Thắng, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã đưa ra nhận định rằng, thị trường sản xuất, chế biến thực phẩm còn rất nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt ở các ngành như sữa, nước giải khát, bánh kẹo, dầu ăn.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, dự báo đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ sữa sẽ tăng và đạt mức 27-28 lít/người/năm; mức tiêu thụ bánh kẹo dự báo tăng 10%/năm so với mức tăng trung bình của khu vực là 3%/năm và của thế giới là 1-1,5%/năm; ngành dầu thực vật hiện tiêu thụ bình quân khoảng 12 kg/người/năm, dự báo đến năm 2020 tiêu thụ 17 kg/người/năm… Bên cạnh thị trường trong nước, tiềm năng khai thác và chế biến thực phẩm để xuất khẩu ra nước ngoài cũng rất lớn. 

Tuy nhiên, ngành sản xuất, chế biến các sản phẩm trên của Việt Nam vẫn chưa bắt nhịp kịp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế. Bà Trần Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển công thương (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, tính đến cuối tháng 10/2017, có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đăng ký gần 313 tỷ USD với 24.199 dự án. Tuy nhiên, lĩnh vực chế biến thực phẩm chỉ thu hút được hơn 4 tỷ USD với 295 dự án. Đứng đầu trong các doanh nghiệp FDI ở lĩnh vực này là Singapore với 62 dự án, tổng vốn đăng ký là 1,58 tỷ USD; Hàn Quốc chiếm vị trí thứ hai với 61 dự án, vốn đăng ký xấp xỉ 1 tỷ USD… Bình Dương là địa phương có nhiều dự án FDI về chế biến thực phẩm nhất, tiếp theo là TP Hồ Chí Minh và Long An. 

Theo bà Trần Kim Oanh, con số đầu tư khiêm tốn cho thấy cơ hội đầu tư vào ngành này tại Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, hiện nguyên liệu trong nước cũng chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, tiêu chuẩn của doanh nghiệp FDI, vì vậy lượng nhập khẩu nguyên liệu khá lớn; tỷ trọng xuất thô vẫn nhiều, tinh chế vẫn thấp nếu so với doanh nghiệp FDI sản xuất tại nước họ hay các quốc gia khác.

Ông Thierry Rocaboy, Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) cho rằng, xu hướng đầu tư trong chế biến thực phẩm có sự gia tăng trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp Châu Âu đầu tư vào lĩnh vực chế biến chiếm tỷ lệ nhỏ, còn thấp so với tiềm năng. Ông Nam Sang Kun, chuyên gia về xúc tiến đầu tư của Hàn Quốc thì cho biết, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam ở lĩnh vực chế biến thực phẩm có gia tăng trong những năm vừa qua. Rất nhiều công ty Hàn Quốc đang chuyển đầu tư ra nước ngoài để tận dụng những thị trường mới nổi ở Châu Á; các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng đang tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc gia tăng đầu tư vào Việt Nam.

Trong khi đó, theo ý kiến ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào sẽ là thế mạnh để Việt Nam thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm. Ngoài ra, một điểm cộng khác hiện tại nền kinh tế Việt Nam cũng đang duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định, cộng với các lợi thế về môi trường đầu tư thông thoáng, nguồn lực lao động dồi dào, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, khu công nghệ hoàn thiện sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh hiệu quả.

Để thu hút nguồn vốn FDI trong chế biến thực phẩm, bà Trần Kim Oanh cho rằng cần quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu để sản xuất ổn định.