SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Thực phẩm, đồ uống Việt Nam “tiến quân” sang thị trường châu Âu

Doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại, khảo sát nhu cầu tiêu thụ cũng như thị hiếu của người tiêu dùng để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm sang châu Âu….

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm thực phẩm, đồ uống của Việt Nam.

36 doanh nghiệp Việt Nam trưng bày các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu như mật ong, tiêu, điều, rau quả, gạo và các sản phẩm từ gạo, … trên diện tích 304m2 tại Hội chợ Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Sial Paris 2022. Đây là hội chợ lớn nhất và uy tín hàng đầu thế giới về lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, diễn ra từ ngày 15 -19/10/2022, tại Paris Nord Villepinte (Pháp).

Khu gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chợ được thiết kế với không gian mở và nhận diện thống nhất, mang tính chuyên nghiệp cao, tạo ấn tượng tới khách tham quan về ngành thực phẩm Việt Nam năng động hướng tới cung cấp các sản phẩm với giá trị gia tăng cao.

Đặc biệt, nắm bắt được xu hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ của khách hàng châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam đã có kế hoạch quảng bá các sản phẩm hữu cơ của doanh nghiệp mình tại Pháp.

Có thể kể đến các sản phẩm như hồ tiêu, quế organic của Công ty TNHH Hồ tiêu Việt, sản phẩm quế organic của Công ty Cổ phần sản xuất xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ và nông sản tổng hợp… Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm lần đầu “bước chân” vào thị trường châu Âu cũng được các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu, quảng bá.

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm thực phẩm, đồ uống của Việt Nam.

Không bỏ lỡ cơ hội, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại thị trường Pháp kết hợp tham dự Hội chợ. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đánh giá, Pháp là một trong những thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam tại châu Âu với vị trí thứ 4 (sau Đức, Hà Lan và Anh).

Năm 2021 Pháp đã nhập khẩu 5.600 tấn hồ tiêu với kim ngạch xuất khẩu đạt 21,2 triệu USD. So với năm 2019 lượng xuất khẩu tăng 66,4% và so với năm 2020 tăng 37,9%, trong đó tỷ lệ tiêu đã qua chế biến chiếm 10%.

9 tháng năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu sang Pháp đạt 2.169 tấn giảm 49,3% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của lạm phát kinh tế toàn cầu trong đó EU là một trong những khu vực bị ảnh hưởng chính.

Điều đáng mừng, trong danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu vào Pháp thì các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam chiếm tỷ trọng đến 85,5% thị phần xuất khẩu.

Theo bà Liên, thị trường Pháp hứa hẹn tiếp tục vẫn sẽ là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của hồ tiêu Việt Nam tại khu vực châu Âu trong thời gian tới khi khủng hoảng kinh tế qua đi.

Trong khi đó, Sial Paris là một trong những Hội chợ triển lãm chuyên ngành về thực phẩm hàng đầu thế giới, với sự góp mặt của hơn 7.000 doanh nghiệp và nhà trưng bày từ hơn 120 quốc gia, thu hút hơn 300.000 lượt khách đến từ hơn 190 nước tới tham quan và làm việc.

Chính vì thế, để mở rộng thị trường sang các nước EU, các doanh nghiệp đã mang tới hội chợ các sản phẩm hồ tiêu nổi tiếng và các loại gia vị khác như: quế, hồi, ớt, nghệ, gừng… đạt tiêu chuẩn EU, USDA, BRC. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá ra thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường châu Âu.

Ông Vũ Anh Sơn, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Pháp, nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tìm hướng đi mới trong cách tiếp cận đối tác, hướng tới xây dựng thương hiệu bền vững.

"Các doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam đều rất mạnh và đang xuất khẩu được rất nhiều. Tuy nhiên giờ mới là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu Việt Nam đầu tư phát triển thương hiệu. Bởi phát triển thương hiệu đòi hỏi một hướng đi hoàn toàn khác so với bán sỉ trước đây. Pháp là một thị trường rất phù hợp để làm thương hiệu", ông Sơn nhấn mạnh.

Trong thời gian tới các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải tiếp tục nâng cao chất lượng khi mà EU đang ngày càng gia tăng các rào cản kỹ thuật, tăng cường xúc tiến thương mại, khảo sát nhu cầu tiêu thụ cũng như thị hiếu của người tiêu dùng Pháp để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hồ tiêu vào Pháp, đặc biệt là nâng mức tỷ lệ xuất khẩu hồ tiêu đã qua chế biến.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng việc tham gia tích cực hội chợ có uy tín và chất lượng hàng đầu thế giới như Sial Paris không chỉ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mở rộng thị trường, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới thông qua việc tiếp cận trực tiếp với các nhà mua hàng uy tín từ khắp nơi trên thế giới, mà còn tạo cơ hội tốt để các doanh nghiệp cập nhật kịp thời xu hướng thị trường, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thực tế nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hơn nữa, việc lựa chọn các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tốt sẽ xây dựng hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam chuyên nghiệp hơn, tin cậy hơn đối với các nhà nhập khẩu quốc tế cũng như tạo dựng một hình ảnh thực phẩm quốc gia mạnh cho Việt Nam. Đây là bước đệm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản, thực phẩm Việt Nam trong dài hạn.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam