SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu rau quả

Rau quả tiếp tục là điểm sáng ấn tượng trong hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm của nước ta với mức tăng trưởng luôn ở 2 con số.

Tăng trưởng ngoạn mục

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016. Dự kiến, năm 2017 xuất khẩu rau quả đạt 3 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2016.

Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau, quả Việt Nam, chiếm 82,9% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau, quả tăng mạnh là: Nga (88,7%), Nhật Bản (50,9%), Thái Lan (34%), Trung Quốc (33,3%), Malaysia (32,8%), Hàn Quốc (18,7%) và Hoa Kỳ (13,3%).

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), đây là tín hiệu tích cực để toàn ngành tiến tới mục tiêu 3 tỷ USD trong năm 2017.

Theo TS Nguyễn Hữu Đạt - Ủy viên Ban chấp hành Vinafruit cho rằng, kết quả xuất khẩu rau quả ngày càng khởi sắc xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước tiên là nhờ công tác quả xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đã và đang tạo được những kết quả tích cực. Nhờ đó, mặt rau quả Việt Nam bắt đầu tìm được chỗ đứng ở những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia thuộc EU…

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tập trung phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ rào cản thương mại, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để đảm bảo tiêu thụ kịp thời, hiệu quả hàng hóa cho nông dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp.

Rau quả là một trong những nhóm mặt hàng được chú trọng xúc tiến thương mại tại Vietnam Foodexpo 2016 (sự kiện do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương chủ trì tổ chức)

“Dù trị giá kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường trên chưa lớn, nhưng việc đặt chân được vào các quốc gia khó tính, có yêu cầu rất cao về chất lượng giúp tăng uy tín cho mặt hàng rau quả Việt Nam”- TS Nguyễn Hữu Đạt chia sẻ.

Mặt khác, theo nhận định của TS Nguyễn Hữu Đạt, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng rau quả trên thế giới tiếp tục tăng là cơ hội cho việc tăng trưởng xuất khẩu đối với sản phẩm này của nước ta hiện nay cũng như thời gian tới.

Đặc biệt, một nguyên nhân quan trọng được TS Nguyễn Hữu Đạt nhấn mạnh là vai trò của nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và cả các nhà sản xuất, hộ nông dân trong nỗ lực đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu đối với rau quả Việt Nam.

“Doanh nghiêp xuất khẩu rau quả đa phần còn hạn hẹp về tài chính những đã có nhiều nỗ lực trong quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Mặt khác trong một hai năm gần đây đã có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu với hộ nông dân, những người sản xuất, vì vậy, chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng được nâng cao, tạo được nguồn hàng cung cấp ổn định, qua đó ngày càng nâng cao uy tín của rau quả Việt Nam trên thị trường thế giới”- lãnh đạo Vinafruit nhận định.

Cần đặt VSATTP lên hàng đầu

Mặc dù xuất khẩu rau quả trong thời gian qua chưa vấp phải cảnh báo chính thức nào từ cơ quan chức năng của các thị trường nhập khẩu nhưng theo Vinafruit, đã đến lúc cần chú trọng đến khâu vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) khi hàng Việt xuất khẩu ngày càng nhiều, xác suất mắc lỗi kiểm dịch từ đó sẽ tăng lên.

Thực tế cho thấy, vào giai đoạn chính vụ, do giá quá rẻ, không ít nông dân đã cắt giảm quy trình tuân thủ về tiêu chuẩn VSATTP. Rủi ro ở chỗ khi có một lô hàng vi phạm VSATTP, thì tỉ lệ hàng nhập khẩu bị cơ quan chức năng nước nhập khẩu kiểm tra sẽ tăng dần lên 50%, thậm chí 100%, thay vì mức kiểm tra 5% như bình thường.

Quá trình kiểm tra ngặt nghèo này sẽ khiến rau quả chậm đến tay người tiêu dùng hơn, chất lượng giảm đi, khả năng không bán được, thua lỗ và mất luôn thị trường là có thật. Một lô hàng vi phạm VSATTP, doanh nghiệp bị thiệt hại bằng lãi 15 lô hàng xuất đi thành công trước đó, chưa kể tiến độ xuất hàng sụt giảm. Khi lượng hàng xuất khẩu giảm sẽ khiến giá cả thị trường nội địa mất ổn định theo. Nông dân phải bán rẻ sản phẩm, bị doanh nghiệp nước ngoài khống chế, ép giá. Người thiệt hại sau cùng không chỉ doanh nghiệp mà là cả nông dân.

Bên cạnh đó, tâm lý “ăn xổi ở thì” khiến một số nhà xuất khẩu Việt Nam không ngại phá giá để có được hợp đồng mà không nghĩ đến chuyện làm hỏng hình ảnh, thương hiệu của trái cây Việt Nam.

Vì vậy, cách thức mà một số doanh nghiệp đang cắt giảm sự phụ thuộc vào nhà nhập khẩu là tự mình xây dựng các trung tâm bán sỉ ngay chính nơi nhập hàng.

TS. Nguyễn Hữu Đạt cho rằng, để trụ vững ở các thị trường lớn và khó tính, doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động liên kết với nhau, không chỉ để có chiến dịch quảng bá phù hợp mà là tập hợp đủ sức mạnh, từng bước tiến vào khâu phân phối tại chính thị trường nhập khẩu, bảo vệ và tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại đây.

Hơn nữa, để nâng cao chuỗi giá trị rau quả thì cần khuyến khích đầu tư vào khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Đặc thù của rau quả là tính thời vụ ngắn, nếu sau thu hoạch không bảo quản tốt thì có để tiêu thụ trong nước

Bên cạnh đó, để phát huy tối đa giá trị của rau quả, Vinafruit cho rằng, ngoài trái cây tươi, các doanh nghiệp có thể tham gia chế biến sâu, sấy khô rau quả, đa dạng hóa sản phẩm để xuất khẩu. Như vậy, còn tạo ra nhiều giá trị thặng dư hơn cho ngành rau quả.

Nhu cầu rau quả trên thị trường xuất khẩu là rất lớn, tiềm năng của ngành rau quả cũng không hề nhỏ. Nếu được chú trọng đúng mức và có chiến lược đầu tư bài bản, cụ thể thì giá trị xuất khẩu rau quả mang về sẽ không thua kém, thậm chí vượt lên trên những sản phẩm khác trong ngành nông nghiệp.