Hội thảo nhằm giới thiệu những tiềm năng và triển vọng của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm là điểm đến đầu tư đáng tin cậy và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm.
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã chú trọng hơn vào việc đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, đầu tư cho công nghiệp chế biến thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế, dù ngành này được đánh giá là đang có những triển vọng phát triển lớn mạnh.
Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, đến nay, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) được gần 290 tỷ USD và giải ngân gần 160 tỷ USD, tuy nhiên, chúng ta chỉ thu hút FDI được 7,6 tỷ USD trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm với 521 dự án. Phần lớn các hoạt động đầu tư nước ngoài ít gắn kết với vùng nguyên liệu, chưa quan tâm phát triển vùng nguyên liệu. Hơn nữa, nguyên liệu trong nước mặc dù rất phong phú song chưa đáp ứng được sản xuất của các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, theo ông Quang, Việt Nam chưa có ưu đãi riêng cho lĩnh vực này mà nằm rải rác ở các quy định khác nhau, trong các chính sách nông nghiệp nông thôn, tín dụng, phụ thuộc vào địa bàn cụ thể...
Để thúc đẩy thu hút đầu tư trong chế biến thực phẩm, theo các chuyên gia, chính quyền địa phương cần chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu tư gắn với các hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ nông dân sang nhà đầu tư trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà đầu tư với doanh nghiệp theo quy định của Luật Đất đai về các hình thức cho thuê hoặc góp vốn bằng đất để cùng kinh doanh nông nghiệp. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong nước cần áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông, thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo ông Claudio Dordi, chuyên gia dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư Châu Âu (EU-Mutrap), để nâng cao chất lượng nông sản thực phẩm xuất khẩu, Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thương hiệu. Trên thực tế, có nhiều nước đang tiêu thụ sản phẩm nông sản của Việt Nam nhưng không biết đó là sản phẩm bắt nguồn từ Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh: "Trong thời gian tới các nhà đầu tư nước ngoài không nên bỏ lỡ thời cơ khai thác cơ hội đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp, tổ chức, địa phương của Việt Nam có nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần chủ động xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài đến hợp tác đầu tư kinh doanh".
Đánh giá về sức hấp dẫn môi trường đầu tư lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, chính sách ưu đãi đầu tư mà Chính phủ Việt Nam dành cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này được xem là cạnh tranh nhất trong khu vực và các doanh nghiệp đang có kế hoạch phát triển ngành chế biến thực phẩm tại Việt Nam.
Qua Hội thảo xác định việc đổi mới và thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng và phát triển kinh doanh trong chuỗi giá trị toàn cầu mà còn tạo được môi trường đầu tư lâu dài, ổn định cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hội thảo đã nhận được kết quả tốt đẹp từ sự đóng góp thông tin và ý kiến của đông đảo các đại biểu tham gia, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam. Một số Đại sứ quán, tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài,… ghi nhận nội dung nắm bắt được thông qua Hội thảo và sẽ tổ chức đến làm việc với các tỉnh, thành phố trong cả nước hiện đang phát triển các nguồn nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm để tìm hiểu cơ hội, giới thiệu doanh nghiệp đầu tư nhằm góp phần phát triển hơn nữa ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam.