Hội nghị là một trong những hoạt động của Đoàn giao thương về thủy sản tại thành phố Trùng Khánh và tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), do Cục Xúc tiến thương mại thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2017. Trên 50 doanh nghiệp Trung Quốc đã tới giao dịch, trao đổi các cơ hội kinh doanh và đầu tư với 9 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tham gia hội nghị.
Bà Doãn Thị Thu Thủy – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại Hội nghị
Tại hội nghị, bà Doãn Thị Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng đoàn giao thương Việt Nam đã giới thiệu tới các doanh nghiệp Trung Quốc về tình hình thương mại ngành thủy sản Việt Nam và năng lực cung ứng thủy sản của Việt Nam cho thị trường Trung Quốc. Bà Thủy đề nghị doanh nghiệp hai nước cần tận dụng tốt cơ hội giao thương này và bày tỏ mong muốn, văn hóa ẩm thực của người dân tỉnh Tứ Xuyên sẽ càng phong phú hơn với các sản phẩm thủy, hải sản chất lượng cao của Việt Nam, đồng thời qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và với tỉnh Tứ Xuyên nói riêng tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Các sản phẩm thủy sản của doanh nghiệp Việt Nam đem đến giao thương như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá basa, cá hố, cá song, mực đông lạnh, ngao… đã thu hút sự quan tâm lớn của khách hàng tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Doanh nghiệp thủy sản Tứ Xuyên cho rằng có nhiều tiềm năng lớn về hợp tác nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, nhất là các sản phẩm thủy sản đông lạnh. Tuy nhiên trước đây do thiếu thông tin về hệ thống thương nhân, khả năng cung ứng và chính sách xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nên các doanh nghiệp của Tứ Xuyên phải nhập khẩu và phân phối thủy sản Việt Nam thông qua các khâu trung gian. Vì vậy, các doanh nghiệp Tứ Xuyên tham dự hội nghị đều đánh giá cao việc Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Đoàn giao thương gồm các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thủy sản của Việt Nam sang Thành Đô và kết nối trực tiếp với các nhà nhập khẩu của tỉnh Tứ Xuyên, qua đó các doanh nghiệp Tứ Xuyên có thể giảm bớt khâu trung gian và chi phí giao dịch để tăng tính cạnh tranh khi tiêu thụ, phân phối thủy sản Việt Nam tại thị trường tỉnh Tứ Xuyên.
Nhiều doanh nghiệp tại Tứ Xuyên đã trao đổi về các nội dung hợp tác kinh doanh cụ thể ngay tại hội nghị với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, đặt vấn đề trực tiếp sang cơ sở của một số doanh nghiệp Việt Nam để xem xét về sản lượng, chất lượng sản phẩm, thỏa thuận giá bán và các điều khoản cung cấp hàng thủy sản cho thị trường Tứ Xuyên.
Giao thương giữa các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam – Trung Quốc tại Hội nghị
Với số dân gần 83 triệu người, có vị trí địa lý nằm sâu trong nội địa và không có cảng biển nên tỉnh Tứ Xuyên có nhu cầu khá lớn đối với các mặt hàng thủy sản. Tuy nhiên, do khó khăn về vận chuyển nên nhu cầu của Tứ Xuyên chủ yếu tập trung vào các loại thủy sản đông lạnh. Những nhóm mặt hàng thủy sản chủ đạo được nhập khẩu bao gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá basa, ghẹ các loại, cá hố, cá chuột, cá hồi, điệp... phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh. Nguồn cung thủy sản cho Tứ Xuyên phần lớn từ các địa phương giáp biển của Trung Quốc như: Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam... Thị trường nhập khẩu thủy sản từ các nước: Việt Nam, Thái Lan, Canada...
Ngoài hội nghị giao thương tại Tứ Xuyên, Đoàn giao thương thủy sản Việt Nam đã đi khảo sát Trung tâm phân phối thủy sản đông lạnh Hai Ba Wang và hệ thống kho lạnh của Công ty Swire tại thành phố Thành Đô. Tại đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm hiểu hệ thống cơ sở vật chất lưu trữ hàng thủy sản, phương thức nhập xuất hàng thủy sản để cung ứng cho các kênh phân phối bán buôn, bán lẻ tại thị trường Tứ Xuyên, cũng như tiềm năng tiêu thụ to lớn của thị trường Tứ Xuyên nói riêng và Trung Quốc nói chung.
Các doanh nghiệp tham gia Đoàn giao thương đều ghi nhận tích cực về hiệu quả tổ chức chương trình của Đoàn. Theo ông Huỳnh Văn Tấn, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau, qua chương trình, doanh nghiệp đã tìm hiểu được sâu hơn về phong tục, tập quán tiêu thụ thủy sản của người tiêu dùng Trung Quốc, đồng thời có thêm nhiều thông tin về khách hàng, qua đó giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh hàng thủy sản phù hợp với thị trường Trung Quốc.
Sản phẩm ngao sơ chế, ngao chế biến của Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nhập khẩu thủy sản tại Tứ Xuyên, Trung Quốc
Ông Nguyễn Hồ Nguyên – Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam cũng cho biết, chương trình đã kết nối hiệu quả cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tiếp xúc, thỏa thuận những hợp đồng cung ứng hàng thủy sản, trong đó có các sản phẩm ngao sơ chế và ngao chế biến của Lenger, rất giá trị với các đối tác phân phối, nhà nhập khẩu thủy sản hàng đầu của tỉnh Tứ Xuyên và Trùng Khánh. Ông Nguyên đề nghị Cục Xúc tiến thương mại có Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trùng Khánh sẽ tiếp tục tổ chức những chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại chuyên ngành mang ý nghĩa thiết thực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng giao thương hơn nữa với các đối tác Trung Quốc.