SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Hàng nông, thủy sản Việt Nam vẫn “bùng nhùng” trong vấn đề VSATTP

Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường lớn, đầy tiềm năng cho hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, xuất khẩu những mặt hàng này của Việt Nam sang EU vẫn còn nhiều thách thức do vướng phải những vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Hàng thủy sản lại bị “tuýt còi”

Ngay trong những tháng đầu năm nay, hàng thủy sản Việt Nam lại bị EU “tuýt còi” khi một số lô hàng cá hồng phi lê Việt Nam xuất khẩu sang EU bị nghi chứa độc tố Ciguatera.

Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF) của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm - Ủy ban Châu Âu đã đăng cảnh báo số 2017.0345-fup8 cập nhật ngày 27/3/2017 về 2 lô hàng cá hồng nhập khẩu từ Việt Nam nghi nhiễm Ciguatera. Tại cảnh báo này, Cơ quan thẩm quyền EU cũng cho biết, đã có 1 người bị ảnh hưởng khi tiêu thụ sản phẩm từ lô hàng trên thông qua các triệu chứng đặc trưng khi ngộ độc chất này như nôn, rối loại cảm giác nhiệt.

Trước đó, ngày 22/3/2017, trên một số trang báo điện tử của Đức như www.cleankids.de, www.welt.de... có đăng bài viết với tiêu đề “Cảnh báo ngộ độc với cá hồng phi lê đông lạnh từ Việt Nam” về 2 lô cá hàng cá hồng phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam bị phát hiện nhiễm độc tố Ciguartera. Các báo cũng đưa ra thông tin, ở địa phương nơi lô hàng bị cảnh báo, đã ghi nhận 11 trường hợp bị ngộ độ Ciguatera - Ciguatera Fish Poisoning (CFP) từ trước đến nay.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ciguatera được tài liệu hướng dẫn “Thủy sản và sản phẩm thủy sản - Các mối nguy và biện pháp kiểm soát” của Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (USFDA) xếp vào các mối nguy tự nhiên, gắn liền với một số loài cá biển sinh sống tại các rạn san hô ăn các tảo độc sinh ra độc tố Ciguatoxin  (CTX) và các loài cá lớn ăn các loại cá này như: cá nhồng, cá cam, cá mú, cá hồng… Theo tài liệu này, Ciguatera không mùi, không vị nên rất khó nhận biết bằng giác quan thông thường. Loại độc tố này khá bền đối với nhiệt độ nên không bị phân hủy trong quá trình nấu nướng.

Trước cảnh báo trên của EU, ngày 28/3/2017, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản đã có Công văn số 451/QLCL-CL1 gửi các doanh nghiệp chế biến hải sản và các cơ quan liên quan về việc cảnh báo này.

Theo đó, để đảm bảo ATTP các lô hàng hải sản xuất khẩu cũng như đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng trong nước, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản yêu cầu các doanh nghiệp chế biến hải sản rà soát chương trình quản lý chất lượng, nhận diện và đưa vào kiểm soát chỉ tiêu CTX trong các sản phẩm cá có mối nguy CFP như cá hồng, cá cam, cá mú…; chủ động có kế hoạch lấy mẫu kiểm nghiệm thẩm tra chỉ tiêu CTX đối với các sản phẩm cá này.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản cũng yêu cầu Cơ quan Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Trung Bộ, Nam Bộ, các Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương lưu ý kiểm tra việc nhận diện và tự kiểm soát chỉ tiêu CTX đối với các sản phẩm cá có mối nguy CFP tại các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn trong quá trình kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Sự việc 2 lô cá hồng phi lê của Việt Nam vừa bị cảnh báo tại thị thị trường EU cho thấy, vấn đề AT VSTP đối với hàng thủy hải sản của Việt Nam vẫn còn là bài toán nan giải. Những năm trước, hàng thủy hải sản của Việt Nam cũng đã từng bị EU “tuýt còi”. Trong đó, vào năm 2016, 11 lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU bị cảnh báo dư lượng kim loại nặng (thủy ngân, Cadmium) vượt mức giới hạn tối đa cho phép, tăng gấp 2,2 lần so với cả năm 2015…

Không chỉ hàng thủy sản, một số hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam cũng bị cảnh báo về VSATTP, đòi hỏi các doanh nghiệp phải sớm khắc phục để không bị tuột mất thị trường.

Tại Diễn đàn chính sách thương mại “An toàn thực phẩm: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” do Ban quản lý Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương” (Cục Xúc tiến thương mại) tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Đỗ Kim Lang đã chỉ ra thực tế, cứ xuất khẩu tốt thì vấn đề ATTP lại bùng phát.

Theo Phó Cục trưởng Đỗ Kim Lang, việc vi phạm của một số doanh nghiệp trong thời gian qua về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh… trong hàng xuất khẩu đã gây những hậu quả nghiêm trọng, tạo một ấn tượng xấu về các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Người nước ngoài đánh giá các sản phẩm của Việt Nam là hàng giá rẻ, có chất lượng chưa thực sự tốt. Từ đó làm giảm giá trị của hàng Việt Nam. Mặc dù vẫn có không ít doanh nghiệp làm rất tốt, nhưng vẫn bị mặt bằng chung kéo xuống. Hậu quả trực tiếp là nhà nhập khẩu trả lại hàng, các nước gia tăng các biện pháp kiểm soát. Lớn hơn là hình ảnh, thương hiệu quốc gia bị ảnh hưởng.

Bà Miriam Garci’a Ferrer, Tham tán thương mại của Phái đoàn EU tại Việt Nam cũng cho rằng, việc một số doanh nghiệp gian lận, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đã khiến hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị mang tiếng xấu, ảnh hưởng đến những đơn vị làm ăn đàng hoàng.

Theo bà Miriam Garci’a Ferrer, hiện nay nhiều hàng nông, thủy sản của Việt Nam không được lòng người tiêu dùng Châu Âu. Bà Miriam Garci’a Ferrer đưa ra ví dụ, hệ thống siêu thị Carefour đã ngừng bán cá basa của Việt Nam. Một số chuỗi siêu thị khác cũng bắt đầu rút hàng vì liên quan đến vấn đề về vệ sinh cũng như liên quan đến câu chuyện nuôi trồng bền vững, xử lý môi trường… Do đó, dù hiện tại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm tốt hơn nhưng lại không được người Châu Âu biết đến. Một ví dụ khác, người tiêu dùng Châu Âu sẵn sàng lựa chọn cà phê từ Colombia thay vì cà phê từ Việt Nam dù sản phẩm của Colombia có giá cao hơn, bởi cà phê Colombia có nhãn mác, bao bì, xuất xứ rõ ràng, còn cà phê Việt Nam thì thường bị trộn với nhiều loại khác nhau.

Bà Miriam Garci’a Ferrer cho rằng, EU là thị trường nhập khẩu nông, lâm sản, thực phẩm lớn nhất thế giới, cần hàng nhập khẩu, nhưng thị trường này yêu cầu cao về chất lượng nhằm đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng. EU không làm khó doanh nghiệp Việt Nam mà chính doanh nghiệp Việt Nam đã tự loại bỏ mình khỏi thị trường này.

Dẫn chứng cho nhận định trên, bà Miriam Garci’a Ferrer cho biết, sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ sống của Việt Nam đã được EU phê duyệt vào danh sách các doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu, nhưng đã bị EU cấm do bị phát hiện sản phẩm có vấn đề.

Cũng theo bà Miriam Garci’a Ferrer, nguyên tắc của EU về quản lý ATTP nói chung và đối với hàng thủy sản nói riêng là dựa vào lịch sử tuân thủ của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp chấp hành tốt sẽ ít bị kiểm tra, và ngược lại, nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị tăng tần suất kiểm tra.

Trước thực trạng trên, bà Miriam Garci’a Ferrer cho rằng, Việt Nam có rất nhiều việc phải làm, trong đó quan trọng là tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu hàng sang Châu Âu, tận dụng những lợi thế mà Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại khi chính thức được thông qua.