SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủy sản

Những năm qua, thủy sản là một trong những ngành có đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của toàn nền kinh tế. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của nước ta 4 tháng đầu năm 2017 đạt 2,2 tỷ USD, tăng trên 9,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sẽ đạt 7,5 tỷ USD cho cả năm nay, tăng 5% so với năm 2016.

Theo nhận định, con số tăng trưởng chung 9,5% trong 4 tháng cũng như tăng trưởng mạnh của từng thị trường là kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là top 4 thị trường dẫn đầu về tiêu thụ thủy sản của Việt Nam trong4 tháng đầu năm; trong đó Hoa Kỳ đứng đầu về kim ngạch, với 361 triệu USD, chiếm 16,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường Nhật Bản đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt 359,6 triệu USD, chiếm 16,7%, tăng 31,3% so với cùng kỳ. Đứng thứ 3 là thị trường Trung Quốc, đạt 229,3 triệu USD, chiếm 10,7%, tăng 28,4%; Hàn Quốc đạt 200,5 triệu USD, chiếm 9,3%, tăng 28,8%.

4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường truyền thống vẫn đạt được mức tăng trưởng dương về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên, có một số thị trường ty kim ngạch không lớn, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì lại tăng mạnh như: Israel (tăng 132%, đạt 24,9 triệu USD); Đan Mạch (tăng 90%, đạt 14,6 triệu USD); Brazil (tăng 73%, đạt 46,8 triệu USD) và Indonesia (tăng 62%, đạt 3,1 triệu USD).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ngược lại, xuất khẩu thủy sản sụt giảm mạnh ở các thị trường như:  Kuwait (giảm 44% so với cùng kỳ), Iraq (-36,5%), Ai Cập (-59%) và Thụy Điển (-30,7%).

Mặc dù có nhiều thuận lợi và có tiềm năng lớn, song ngành thủy sản Việt Nam trong thời gian qua cũng đã phải đối mặt với không ít thách thức như: dịch bệnh, con giống, môi trường và vốn vay cho sản xuất cũng như các rào cản kỹ thuật trong tiến trình hội nhập. Ngoài ra, phương tiện, kỹ thuật đánh bắt xa bờ qui mô còn nhỏ, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng thủy sản còn hạn chế, nguồn nguyên liệu thiếu ổn định… ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn lợi thủy sản...

Để nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa quyết định phê duyệt “Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế” với tổng kinh phí 102,2 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước 40 tỷ đồng, huy động từ các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế 62,2 tỷ đồng.

Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và triển khai các hiệp định thương mại tư do (FTA) phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nội dung chính của Đề án là rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cùng với các quy định chặt chẽ về sản xuất từ nuôi trồng thủy sản (giống, thức ăn, thuốc phòng trừ bệnh...) đến chế biến xuất khẩu ra thị trường (nguyên liệu vào nhà máy, chế biến, đóng gói bao bì...).

Điều chỉnh và bổ sung quy định về nhập khẩu sản phẩm thủy sản và nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu phù hợp với chuẩn mực quốc tế được Việt Nam thỏa thuận trong các FTA.

Bên cạnh đó, bổ sung vào hệ thống tiêu chuẩn thủy sản các quy định về truy xuất nguồn gốc, quy định trách nhiệm bảo quản, chế biến và tiêu thụ xuất khẩu, quản lý một cửa chuyên nghiệp được chấp nhận trong các hiệp định FTA trên nền tảng tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và thế giới nhằm nâng cao năng lực quản lý và khả năng hội nhập của ngành thủy sản. Trong đó, tăng cường ký kết các Hiệp định, Thỏa thuân hợp tác nghề cá và đường dây nóng với các nước nhằm giảm thiểu áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản, đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu, đảm bảo an toàn cho ngư dân khai thác trên biển. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao trình độ sản xuất một số đối tượng sản phẩm thủy sản quốc gia, chủ lực. Tranh thủ hợp tác với các nước phát triển, các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường năng lực, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật cho ngành Thủy sản.

Bên cạnh đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI phục vụ phát triển kinh tế thủy sản ở cả 3 vùng nước ngọt, lợ và mặn. Sản xuất các loại giống thủy sản có giá trị kinh tế cao; các chế phẩm vi sinh để xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản; các loại vacxin phòng, trị bệnh cho các loài thủy sản nuôi, các loại thức ăn đặc thù cho từng loại thủy sản nuôi. Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho khai thác xa bờ như: sản xuất các loại ngư cụ khai thác có chọn lọc một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ xuất khẩu; sửa chữa, cải tạo và đóng mới tàu khai thác xa bờ với trang thiết bị và ngư cụ phù hợp hơn.

Ngoài ra, nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng thủy sản, tận dụng lợi thế về thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, tiềm năng theo lộ trình giảm thuế tại các thị trường có FTAs với Việt Nam và mở rộng các thị trường tiềm năng. Đồng thời, nâng cao năng lực giải quyết các rào cản kỹ thuật trong thương mại thủy sản quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành hàng bền vững với sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong tái cơ cấu ngành thủy sản.

Xây dựng thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trước mắt, tập trung xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, thương hiệu cá tra Việt Nam và thương hiệu cá ngừ Việt Nam đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế, gắn với chỉ dẫn xuất xứ địa lý của Việt Nam./.