SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Thúc đẩy phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên

Cây chè bén duyên với đất Thái Nguyên từ những năm đầu của thế kỷ 20 ở vùng Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Từ thời kỳ Pháp thuộc, Thái Nguyên đã được mệnh danh là vùng đất “Đệ nhất danh trà”. Ngoài Tân Cương, Thái Nguyên còn nhiều vùng chè đặc sản nổi tiếng khác như: La Bằng (Đại Từ), Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương), Sông Cầu, Trại Cài (Đồng Hỷ)…Sản phẩm chè Thái Nguyên đã được người tiêu dùng trong nước đón nhận, đồng thời được xuất khẩu đi nhiều nước: Pakistan, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đến nay, Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ (từ năm 2006). Tiếp đó, một loạt các nhãn hiệu của các vùng chè đặc sản trên địa bàn tỉnh như Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”; các nhãn hiệu tập thể “Chè La Bằng”, “Chè Trại Cài”, “Chè Vô Tranh” đã được xây dựng, góp phần giới thiệu, quảng bá và phát triển sản phẩm chè Thái Nguyên.

Tuy nhiên, trong thời gian qua phát triển sản xuất, kinh doanh chètại Thái Nguyên chưa tương xứng với tiềm năng, hiệu quả còn thấp. Để phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên dự kiến từ nay đến năm 2020 đầu tư trên 220 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách khoảng 150 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn huy động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nguồn vốn khác để triển khai đề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Theo đề án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, nguồn vốn đầu tư chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ: quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi phù hợp với cơ cấu loại sản phẩm đối với từng huyện, thành phố, thị xã đồng thời gắn với quy hoạch vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất chè tập trung, ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích 3.900 ha tại thành phố Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai, thị xã Phổ Yên...

Đề án cũng đặt mục tiêu từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao; trồng mới, trồng thay thế 4.400 ha chè bằng các giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu cao. Mỗi năm hỗ trợ chứng nhận trên 300 ha chè an toàn sản xuất theo theo quy trình VietGAP (hoặc GAP khác), hỗ trợ và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm 50 cơ sở/năm; xây dựng và quản lý thương hiệu chè Thái Nguyên, phát triển nhanh mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè an toàn gắn với phát triển hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè theo mô hình chuỗi giá trị...

Trong giai đoạn mới, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các địa phương khẩn trương chuyển đổi giống theo hướng ưu tiên thay thế giống chè trung du già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện tự nhiên tỉnh Thái Nguyên.

Tỉnh chủ trương phát triển mạnh thương hiệu chè Thái Nguyên trên cơ sở phát huy lợi thế, sức cạnh tranh của sản phẩm về số lượng, chất lượng và giá cả, phát triển thương hiệu sản phẩm gắn với hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thực hiện đặng ký nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại một số thị trường nước ngoài tiềm năng.

Bên cạnh đó, tỉnh áp dụng cơ chế hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP và GAP khác; hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nâng cao kỹ thuật chế biến chè đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất hữu cơ; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng thương hiệu sản phẩm.